Người Nhật “phẫn nộ” vì trợ cấp 3 man yên mới đang được chính phủ cân nhắc

Kế hoạch hỗ trợ 30.000 yên (khoảng 5 triệu đồng) cho các hộ gia đình được miễn thuế cư trú của Chính phủ Nhật Bản đang khiến nhiều người lao động tại Nhật Bản bày tỏ bất mãn, đặc biệt khi giá cả sinh hoạt ngày càng tăng cao.

Đồng yên yếu ảnh hưởng đến tuần trăng mật của người Nhật như thế nào?

 

Chính sách hiện tại có thực sự công bằng?

Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, không phải chịu thuế cư trú. Tuy nhiên, một nhà đầu tư tên là Mathany (40 tuổi) đã thu hút sự chú ý khi chia sẻ rằng mình có tài sản lên đến 4,8 tỷ yên (khoảng 800 tỉ đồng) nhưng vẫn có khả năng nhận được khoản hỗ trợ này do không có thu nhập chịu thuế trong năm qua. Điều này đặt ra câu hỏi liệu chính sách hiện tại có thực sự công bằng hay không.

Ông nhấn mạnh rằng, trước đây, những hộ gia đình thu nhập trung bình, dù phải vật lộn với chi phí sinh hoạt, vẫn không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào. Trong khi đó, những người giàu có, với tài sản hàng tỷ yên nhưng không chịu thuế, lại được nhận tiền hỗ trợ một cách dễ dàng.

 

Đối tượng được hỗ trợ chủ yếu là người cao tuổi

Theo Giáo sư Shimazawa Satoshi đến từ Đại học Kanto Gakuin, Nhật Bản hiện có khoảng 14,9 triệu hộ gia đình được miễn thuế cư trú. Trong số đó, 75% là những người từ 65 tuổi trở lên và đang nhận lương hưu.

Nhiều người dân cao tuổi bày tỏ sự vui mừng khi biết về khoản hỗ trợ này. Một cặp vợ chồng ở độ tuổi 70 sống bằng lương hưu chia sẻ: “Nếu được hỗ trợ, chúng tôi sẽ rất biết ơn. Đây thực sự là một cứu cánh trong lúc khó khăn.” Một người ở độ tuổi 90 sống một mình cho biết: “Tôi cảm thấy vui mừng, nhưng cũng lo lắng cho thế hệ trẻ.”

Trong khi đó, các hộ gia đình thu nhập trung bình và thấp, đang phải đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao, lại không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Một nhân viên công ty ở độ tuổi 30 sống cùng vợ chia sẻ: “Chính sách này thực sự không công bằng. Chúng tôi đóng thuế đầy đủ nhưng gần như không nhận được gì, điều này khiến chúng tôi cảm thấy lo lắng cho tương lai.” Một nhân viên 60 tuổi nuôi con đang học đại học nói: “Nếu đã hỗ trợ, hãy hỗ trợ cho tất cả các hộ gia đình.”

 

Chi phí triển khai gây áp lực lên ngân sách địa phương

Chi phí triển khai chương trình hỗ trợ cũng trở thành vấn đề lớn. Tại tỉnh Chiba, Thống đốc Toshihito Kumagai từng chỉ trích việc này là gánh nặng không cần thiết cho nhân viên chính quyền địa phương. Ông cho biết, năm ngoái, tỉnh này đã phải chi khoảng 1,2 tỷ yên  (khoảng 200 tỉ đồng) cho nhân sự và các chi phí liên quan (chi phí tạo trang web) để triển khai chương trình hỗ trợ.

Một vài đánh giá khác từ các nhóm đối tượng về chính sách này. Một cặp vợ chồng ở độ tuổi 30 không có con, với thu nhập hộ gia đình 12 triệu yên (khoảng 2 tỉ đồng), cho rằng chính sách này tập trung vào việc lấy lòng người cao tuổi. Một cặp vợ chồng 70 tuổi, có thêm thu nhập ngoài lương hưu, chia sẻ: “Khoản hỗ trợ này chỉ là giải pháp tạm thời. Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách tài chính bền vững hơn.”

Chính sách này đang làm dấy lên tranh cãi lớn về cách tiếp cận và tính công bằng trong hỗ trợ tài chính, đặc biệt khi các nhóm lao động trẻ cảm thấy bị “bỏ rơi”.

Trợ cấp sinh con và chăm sóc con trả một lần ở Nhật Bản

Chi tiết chương trình hỗ trợ lên tới 60 man yên cho các cặp đôi mới kết hôn tại Nhật Bản

 

Nguồn: TV Asahi

Biên tập: LocoBee

Facebook