Các vụ tai nạn do cây ven đường và các vật thể khác đổ xuống xảy ra liên tiếp trên khắp đất nước và chính phủ đang thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề này, bao gồm cả việc tiến hành một cuộc khảo sát toàn quốc lần đầu tiên vào năm ngoái. Theo khảo sát của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, trong vòng 5 năm tính đến năm 2017, trung bình mỗi năm có khoảng 5.200 cây bị gãy đổ. Trong đó, có khoảng 3.700 cây bị đổ do gió mạnh và khoảng 1.500 cây đổ do cây già hoặc thối rễ. Ngoài cây trồng ven đường, tai nạn cũng xảy ra ở công viên và những nơi khác.
Vào ngày 12/9 vừa qua, một người đàn ông đã thiệt mạng do cành bạch quả rơi ở thành phố Hino, Tokyo, và các vụ tai nạn liên quan đến cây cối liên tục xảy ra ở nhiều nơi. Mặt khác, có nguy cơ các cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về những tai nạn như vậy, vì vậy cần phải thận trọng.
Vào ngày 16/9, một cây anh đào Yoshino cao khoảng 10 mét và chu vi khoảng 2 mét đã bị gãy khỏi gốc trong một công viên đô thị ở quận Suginami, Tokyo.
Vào tháng 4 năm ngoái, một cái cây đã gãy khỏi gốc và đâm vào một chiếc lều tại khu cắm trại ở Sagamihara, tỉnh Kanagawa khiến một phụ nữ 29 tuổi trong lều thiệt mạng và khiến chồng cô bị gãy xương ngực.
Ngoài ra, vào tháng 4 năm nay, một cây anh đào đã đổ ở Sanneizaka, gần đền Kiyomizu ở quận Higashiyama, thành phố Kyoto, và đè lên một người đàn ông khoảng 60 tuổi khiến ông này bị gãy xương hông.
Nỗ lực để người dân báo cáo qua ứng dụng
Để nhanh chóng xác định những mối nguy hiểm trong thành phố, chẳng hạn như cây đổ, thành phố Chiba đang sử dụng một ứng dụng để yêu cầu người dân báo cáo bằng ảnh. Thành phố đã sử dụng ứng dụng trong khoảng 10 năm qua để khuyến khích người dân báo cáo các vấn đề trong thành phố.
Ứng dụng này cho phép người dân đăng ảnh và thông tin vị trí cùng với văn bản giải thích, đồng thời cũng được sử dụng để nhanh chóng xác định những bất thường như cây đổ. Khoảng 3.000 lượt gửi được thực hiện hàng năm trong thành phố và trong 10 năm qua họ đã nhận được khoảng 100 lượt gửi thông tin liên quan đến cây cối. Vào tháng 5 năm nay, ngay từ sáng sớm đã có một bài đăng cho biết “những cành cây ven đường bị gãy”. Điều này giúp thành phố xác định nguy cơ cao và tiến hành chặt bỏ cành ngay trong ngày.
Có thể yêu cầu trách nhiệm cá nhân
Trong một số trường hợp, không chỉ chính quyền địa phương mà cả những cá nhân sở hữu đất có cây bị ngã đổ cũng phải chịu trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra.
7 năm trước tại thành phố Kumamoto, một nam giới đang điều khiển ô tô đã thiệt mạng khi cây đổ từ sườn dốc bên đường và tông thẳng vào anh này trên đường tỉnh trong thành phố. Con dốc nơi cây mọc là tài sản riêng và sau vụ tai nạn, gia đình người bị nạn và những người khác đã đệ đơn kiện thành phố Kumamoto quản lý con đường và chủ sở hữu đất với cáo buộc rằng họ đã không bảo quản tài sản. Cuối cung, Tòa án Tối cao đã đưa ra phán quyết cuối cùng yêu cầu thành phố và chủ sở hữu đất phải bồi thường khoảng 50 triệu yên (khoảng 8,5 tỉ đồng).
Luật sư Sanpei Satoshi chuyên xử lí rắc rối liên quan đến bất động sản bao gồm cả cây đổ trên đất tư nhân, cho biết: “Khi tai nạn xảy ra, chủ sở hữu thường phải chịu trách nhiệm quản lý, thậm chí nếu cây đổ là do thiên tai như bão mà chủ sở hữu không có biện pháp phòng chống trước thì có thể phải chịu trách nhiệm khi có việc xảy ra, đặc biệt là những cây mọc ven đường”.
Để tham gia bình luận hãy đăng ký trở thành thành viên của LocoBee – Hoàn toàn miễn phí!
Phiếu giảm giá tại Don Quijote: Miễn thuế 10% và giảm thêm 5%
Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 10.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!
Tổng hợp: LocoBee