4 nhóm nghi thức ở Nhật bạn cần biết (kì 1)

Ở Nhật có khá nhiều nghi thức, lễ nghi cơ bản ở từng trường hợp, tình huống. Việc nắm được chúng sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt người đối diện. Hãy cùng LocoBee điểm danh những nghi thức đó nhé!

 

1-Nghi thức cơ bản

Omotenashi

Một khái niệm quan trọng thể hiện nghi thức ở Nhật Bản là omotenashi, thường được dịch là “lòng hiếu khách”. Nó đề cập đến sự chu đáo và quan tâm đến người khác theo cách mà chủ nhà có thể đoán trước được nhu cầu của khách và điều chỉnh cho phù hợp.

Gomennasai và Sumimasen

“Gomen nasai” có nghĩa là “tôi xin lỗi’ và “sumimasen” có nghĩa là “xin lỗi’. Việc nêu những cụm từ này khi bạn mắc lỗi hoặc gây ra sự bất tiện được coi là phép lịch sự. Sumimasen thường được sử dụng trong những tình huống trang trọng hơn hoặc với những người có địa vị xã hội cao hơn (chẳng hạn như cấp trên hoặc người già) và cũng có thể hàm ý lòng biết ơn. Gomen nasai thân mật hơn và được sử dụng giữa các thành viên thân thiết trong gia đình hoặc bạn bè.

Đeo khẩu trang

Ở Nhật Bản, mọi người thường đeo khẩu trang, nhìn chung là để bảo vệ cơ thể khỏi cảm lạnh. Khi ai đó bị bệnh, việc đeo khẩu trang là một cách lịch sự và tôn trọng để tránh lây bệnh cho người khác.

 

Đi bộ bên trái

Mọi người thường đi bộ ở bên trái đường, đặc biệt là ở những khu vực đông đúc. Trong khi đó, mọi người sẽ đứng yên ở bên trái thang cuốn để người muốn đi bộ di chuyển về bên phải.

Khay tính tiền

Các nhà hàng/khách sạn/doanh nghiệp Nhật Bản thường để một chiếc khay nhỏ gần máy tính tiền để khách hàng bỏ tiền vào. Điều này đảm bảo rằng nhân viên thu ngân không cần phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.

Việc đếm tiền lẻ nhận được trước mặt nhân viên thu ngân được coi là thô lỗ. Điều này ngụ ý rằng khách hàng không tin tưởng rằng nhân viên thu ngân đã đưa đúng số tiền.

Đúng giờ

Sự đúng giờ rất được coi trọng ở Nhật Bản. Cần phải có mặt đúng giờ trong các cuộc họp, cuộc hẹn, dịch vụ và các bữa tiệc. Văn hoá này cũng thể hiện ở các dịch vụ, như phương tiện giao thông công cộng… Trong các tình huống xã hội, mọi người thường đến trước giờ hẹn một chút hoặc đến đúng. Nếu bạn dự kiến sẽ có sự chậm trễ, hãy lịch sự thông báo cho đối tác của bạn.

 

2-Nghi thức khi tới thăm nhà người Nhật

Gặp nhau ở ngoài

Việc giải trí và tổ chức các sự kiện xã hội tại nhà không phải lúc nào cũng phổ biến, một phần do quy mô nhỏ của hầu hết các ngôi nhà ở Nhật Bản. Được mời tới nhà ai đó được coi là một vinh dự lớn.

“Nghệ thuật” giao tiếp kì lạ của người Nhật

Không gian nhà ở Nhật Bản

Sự khác biệt quan trọng trong ngôi nhà của người Nhật là giữa bên trong và bên ngoài. Trong nhiều ngôi nhà, có một khoảng trống nhỏ giữa cửa chính và phần còn lại của ngôi nhà, đóng vai trò là không gian trung gian. Khu vực lối vào này được gọi là “genkan”. Kích thước của genkan thường tương xứng với kích thước của ngôi nhà; những ngôi nhà nhỏ sẽ có một genkan hẹp trong khi những ngôi nhà lớn hơn sẽ có một genkan rộng rãi hơn.

Theo truyền thống, không gian chính trong nhà hơi cao và có sàn riêng biệt với genkan.

Cởi giày dép

Điều quan trọng, genkan là nơi mọi người cởi giày trước khi vào nhà. Điều này thường được thực hiện như một cách để tránh mang bụi bẩn từ bên ngoài vào nhà. Sẽ cực kỳ bất lịch sự nếu bước chân qua genkan bằng giày dép đi bên ngoài.

Giày nên được cởi ra từ từ. Sau khi ai đó đã cởi giày đi ngoài trời, thông thường họ sẽ đặt giày lên giá giày được cung cấp sẵn hoặc hướng giày về phía cửa.

Dép đi trong nhà

Chủ nhà thường sẽ cung cấp cho khách dép đi trong nhà để mang khi đến thăm nhà.

Dép đi trong nhà thường được mang khắp nhà ngoại trừ những không gian trong một số ngôi nhà truyền thống hơn có chiếu tatami. Một số chủ nhà có thể có cả dép riêng khi đi vệ sinh hoặc phòng tắm.

Quà tặng khi tới thăm nhà

Mọi người hầu như luôn mang theo quà khi đến thăm nhà người khác.

Vị trí ngồi khi tới thăm nhà

Chủ nhà thường chỉ cho khách chỗ ngồi khi họ bước vào phòng. Vị khách quan trọng nhất sẽ được ngồi ở chỗ ngồi danh dự nhất (kamiza), tức là chỗ ngồi xa lối vào nhất. Người ít quan trọng nhất có mặt (thường là chủ nhà) ngồi ở ghế ít danh dự nhất (shimoza), là ghế gần lối vào nhất. Nếu chủ nhà không chỉ rõ chỗ ngồi thì lựa chọn phù hợp nhất là ngồi gần cửa ra vào nhất để thể hiện sự khiêm tốn.

Bàn trong nhà người Nhật

Một số ngôi nhà và nhà hàng ở Nhật Bản có truyền thống ngồi quanh một chiếc bàn thấp. Đôi khi, mọi người sẽ ngồi trực tiếp trên sàn hoặc trên đệm sàn. Tuy nhiên, một số nơi có lỗ dưới gầm bàn để mọi người có thể ngồi và gác chân tương tự như khi ngồi trên ghế.

Tư thế ngồi

Khi ngồi trên sàn, có một số cách mọi người thường ngồi. Tư thế ngồi trang trọng của người Nhật được gọi là “seiza”. Ở tư thế này, mọi người ngồi với hai chân đặt dưới đùi, đặt mông lên gót chân và giữ thẳng lưng. Nữ giới thường khép 2 đầu gối lại với nhau, trong khi nam giới hơi tách 2 đầu gối ra. Trong những tình huống thông thường, nam giới thường ngồi trên sàn với 2 chân bắt chéo, trong khi phụ nữ ngồi với cả 2 chân sang một bên.

Cách cư xử đúng mực và quan tâm hay ít nhất là không làm phiền đến người khác được đánh giá cao ở Nhật Bản. Người nước ngoài khi tới Nhật du lịch hoặc sinh sống nếu có hành vi không đúng mực sẽ tạo ra những phiền phức, rắc rối không hề mong muốn. Vậy nên hãy tham khảo những nghi thức cơ bản trên đây trước khi tới Nhật nhé.

Hẹn gặp bạn ở kì tiếp theo.

ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN LOCOBEE

Tặng kèm phiếu giảm giá lên đến 10.000 yên – Mua hàng hiệu với giá cực ưu đãi!

 

Tổng hợp LocoBee

 

Tổng hợp: LocoBee

Facebook