Vào đầu tháng 5 vừa qua, công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank Ltd. có trụ sở tại Tokyo đã tổng hợp dữ liệu về số vụ phá sản có khoản nợ trên 10 triệu yên (khoảng 74.486 USD) của các trang trại chăn nuôi bò sữa trên toàn Nhật Bản. Năm 2022 đã có 14 trường hợp phá sản, gần bằng mức năm 2011, khi có 19 vụ phá sản được tuyên bố do hậu quả của trận động đất, sóng thần và 3 vụ nổ hạt nhân tàn phá đất nước. Con số này cũng đã tăng vọt so với 8 trường hợp vào năm 2021 và là con số cao nhất trong 10 năm qua.
Trong năm 2014 và 2015, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu một dự án quy mô lớn để trợ giá tới một nửa giá khi nông dân chăn nuôi bò sữa đầu tư vào máy móc và cơ sở do thiếu bơ từ sữa sản xuất trong nước và yêu cầu tăng sản lượng sữa nguyên liệu. Do đó, sản lượng sữa bò đã tăng nhanh từ khoảng năm 2019.
Tuy nhiên các trang trại chăn nuôi bò sữa đã rơi vào tình thế khó khăn do thiếu lao động và nhân công già đi. Khi đại dịch corona bùng phát, nó đã tác động đến nhu cầu đối với các sản phẩm sữa trong các phân khúc kinh doanh như ngành nhà hàng và bữa trưa ở trường học. Năm ngoái, chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine bắt đầu và đồng yên giảm giá mạnh đã làm tăng chi phí thức ăn gia súc và hậu cần. Ví dụ, giá rơm đã tăng tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Để vắt sữa bò, cần phải cho bò đẻ liên tục và giá bê thịt vốn là nguồn thu nhập quan trọng của người chăn nuôi bò sữa đã giảm mạnh do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và nhu cầu ăn uống bên ngoài giảm dần.
Mặc dù các tác động của đại dịch dự kiến sẽ giảm bớt nhưng việc chuyển chi phí gia tăng sang giá sản phẩm dường như đang gặp trở ngại. Theo thống kê giá bán lẻ do Bộ Nội vụ và Truyền thông công bố, giá một hộp sữa năm 2022 tăng không quá 10% so với năm trước, điều này không phản ánh đầy đủ chi phí thức ăn gia súc đã tăng lên rất nhiều trong thực tế.
Trong những năm gần đây, có một số doanh nghiệp trong ngành sữa lâm vào cảnh thua lỗ do các yếu tố như dân số già, thiếu lao động và trả nợ vay đầu tư vốn. Teikoku Databank cảnh báo: “Nếu nông dân chăn nuôi bò sữa tiếp tục từ bỏ kinh doanh khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và khó tăng giá, chúng ta không thể phủ nhận khả năng xảy ra ‘khủng hoảng sữa’, trong đó khó có được sữa bò sản xuất trong nước.”
Sữa ở Nhật Bản – những điều bạn có thể chưa biết
Nguồn: prtimes.jp
Biên tập: LocoBee