Xu hướng mới khi tìm việc thay cho Sơ yếu lí lịch (Entry Sheet)

ES là viết tắt của Entry Sheet, tạm dịch là Sơ yếu lí lịch. Đây là 1 trong những hồ sơ đầu tiên cần nộp vào các công ty Nhật Bản trong quá trình xin việc. ES là thứ luôn khiến các sinh viên đang tìm việc lo lắng vì không biết mình đã làm đúng mẫu, đúng tiêu chuẩn và chuyên nghiệp chưa. Với sự thịnh hành của các video tự giới thiệu (PR) bản thân, gần đây có nhiều trường hợp ES được làm bằng video và các công ty cũng yêu cầu ứng viên gửi video thay vì ES bằng giấy như thông thường. Cảm nhận của sinh viên về phong trào sử dụng video trong hoạt động tuyển dụng như thế nào?

 

Bạn đã bao giờ làm video PR chưa?

Đầu tiên, câu hỏi được đưa ra là: “Bạn có từng bị yêu cầu phải gửi video PR trong các lần ứng tuyển không?”

44,2% số người được hỏi trả lời rằng họ đã từng gửi video PR cho nhà tuyển dụng, tăng 11,0 % so với năm 2021. Nếu tính cả những người đã không gửi video mặc dù được yêu cầu thì tổng số người được công ty yêu cầu gửi video PR là trên 50%, số lượng đang tăng lên hàng năm.

Số lượng trung bình các công ty mà ứng viên gửi video PR là 3,0 công ty.

 

Bạn nghĩ gì về việc gửi video PR?

71,9% số người được hỏi trả lời “không tốt” hoặc “không tốt lắm”. Trên thực tế, hơn 70% sinh viên có ấn tượng tiêu cực.

Phản hồi phổ biến nhất là “phiền hà” với 43,4% bởi nhiều người không thích quay phim, không biết chuẩn bị bối cảnh quay phim, không có địa điểm để quay” (25,8%).  Các tỷ lệ này cho thấy số lượng sinh viên cảm thấy rằng không thoải mái khi được yêu cầu gửi video PR là cao.

Những sinh viên đang tìm việc vốn đã bận rộn muốn tránh làm những công việc không quen thuộc càng nhiều càng tốt. Cũng có nhiều bình luận như “Tôi muốn được đánh giá qua phỏng vấn thay vì video” (35,2%) và “Tôi nghĩ mình sẽ được đánh giá qua ngoại hình, ấn tượng và cách tạo bầu không khí thoải mái với mọi người” (30,0%). Ngoài ra, hơn 20% thậm chí còn trả lời rằng họ “không muốn làm việc cho công ty kể cả trúng tuyển”.

Cũng có một số ít ý kiến ​​tích cực như “Tôi nghĩ mình sẽ được đánh giá về cá tính và phong cách riêng khi làm những video PR” và “Nhờ làm video PR, tôi thể hiện được tính cách của mình và tự tin mình sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao về khả năng thể hiện bản thân”. Đối với những sinh viên giỏi thể hiện bản thân bằng video hơn văn bản, đây sẽ là một lựa chọn tuyệt vời.

Người phụ trách Mynavi cho biết: “Mặc dù video PR thay thế cho ES cũng mới xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng xét từ kết quả khảo sát, chúng ta có thể thấy rằng hiện nay có rất nhiều ý kiến ​​tiêu cực từ các ứng viên, mặt khác, có một số ứng viên còn né tránh việc nộp đơn xin việc bằng video. Tương lai xu hướng này có phát triển theo chiều hướng tích cực hay không còn phải theo dõi và khảo sát thêm.”

10 quốc gia và khu vực có nhiều người học tiếng Nhật nhất

 

Nguồn: career-research

Biên tập: LocoBee

Facebook