Hạt vi nhựa hay Microplastics là những mảnh rác thải nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm bị giòn và vỡ ra do tác động của sóng biển và tia cực tím. Nếu cá biển ăn hạt vi nhựa do tưởng đó là sinh vật phù du sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái thông qua chuỗi thức ăn.
Một nhóm nghiên cứu do Giáo sư Hirofumi Hinata thuộc Đại học Ehime dẫn đầu đã phân tích các địa tầng tích tụ dưới đáy biển của Vịnh Beppu hàng năm. Người ta thấy rằng hạt vi nhựa lần đầu tiên được xác nhận từ năm 1958 đến năm 1961 – giai đoạn phát triển kinh tế nhanh chóng ở Nhật Bản. Sau đó lượng tích tụ tăng dần trong nửa thế kỉ và lặp lại những biến động theo chu kì 20 năm và vẫn đang tăng. Ngoài ra, các lớp tìm thấy nhiều hạt vi nhựa nhất cũng trùng với thời kì thực vật phù du phong phú. Qua phân tích cho thấy thực vật phù du có thể đã bám vào bề mặt của hạt vi nhựa và chìm xuống đáy biển rồi tích tụ trong các lớp địa tầng.
Kết quả của nghiên cứu này được phát hiện trong quá trình nghiên cứu, tập trung vào Vịnh Beppu như một địa tầng tượng trưng cho kỉ Anthropocene – kỉ nguyên mà loài người phát triển thịnh vượng nhất.
Giáo sư Hinata cho biết những dữ liệu này cung cấp manh mối để làm rõ thực trạng ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa gây ra, và cũng cung cấp dữ liệu đại diện mạnh mẽ cho kỉ nguyên thịnh vượng của con người. Vào tháng 7 năm nay, giáo sư đã xuất bản một bài báo nói rằng đã tìm thấy một lượng rất nhỏ plutonium ở địa tầng trên đáy biển của Vịnh Beppu. Đây là plutonium rơi ra khắp thế giới vào những năm 1950 khi các cuộc thử nghiệm hạt nhân diễn ra rầm rộ.
Tổng quan về cách phân loại rác ở Nhật
Nguồn: ehime-u.ac.jp
Biên tập: LocoBee