Điều kiện để trở thành Hoikushi hay người chăm sóc trẻ em

Với sự thay đổi của xã hội, nhu cầu chăm sóc trẻ em ngày càng đa dạng hơn. Bạn có biết cần những điều kiện gì để trở thành người chăm sóc trẻ em tại Hoikuen không?
Cùng tham khảo thông tin trong bài viết của LocoBee ngay sau đây.

 

Người chăm sóc trẻ em là gì?

Người chăm sóc trẻ em tiếng Nhật là 保育士 (Hoikushi), đây là người thay mặt cha mẹ chăm sóc trẻ, giúp trẻ phát triển thói quen sinh hoạt cơ bản và khả năng giao tiếp cần thiết trong môi trường tập thể.

Do nhu cầu chăm sóc trẻ ngày một đa dạng hơn nên hiện nay ngoài các cơ sở trông giữ trẻ (Hoikuen) ra thì Hoikushi còn làm việc ở Nintei Kodomoen, câu lạc bộ dành cho trẻ em sau giờ học, trung tâm dịch vụ sau giờ học… Theo điều tra dân số năm 2015, số lượng Hoikushi là 540.000 người, trong đó 97% là phụ nữ. Mặc dù số lượng Hoikushi là nam ngày càng tăng nhưng chỉ chiếm 3% tổng số.

 

Điều kiện để trở thành Hoikushi

Để trở thành Hoikushi cần phải có chứng chỉ cấp quốc gia Hoikushi. Con đường phổ biến nhất để có được chứng chỉ Hoikushi là theo học tại một trường đại học, cao đẳng hoặc trường dạy nghề có khóa đào tạo Hoikushi và hoàn thành chương trình giáo dục chuyên ngành theo quy định. Tuy nhiên, ngay cả khi không được đào tạo chuyên ngành như vậy, bạn vẫn có thể đạt được chứng chỉ này nếu vượt qua kỳ kiểm tra Hoikushi được tổ chức ở các tỉnh.

Điều kiện đủ để tham dự kỳ thi Hoikushi phụ thuộc vào nền tảng học vấn cuối cùng, vì vậy có khoảng 3 lộ trình để trở thành Hoikushi.

(*) Nếu đã học đại học 2 năm trở lên, lấy được 62 tín chỉ trở lên thì dù đang học hay thôi học vẫn có thể tham gia thi Hoikushi

(**) Tốt nghiệp trung học phổ thông cần 2 năm với 2.880 giờ trở lên; tốt nghiệp trung học có sở cần 5 năm với 7.200 giờ trở lên

Kể cả khi không có bằng cấp chuyên ngành giáo dục, chỉ cần đỗ kì thi và lấy được bằng thì sẽ trở thành Hoikushi. Tuy nhiên, tỷ lệ đậu của kỳ thi Hoikushi khá thấp chỉ khoảng 20% nên cần phải chuẩn bị rất kĩ lưỡng.

 

Lịch trình kì thi Hoikushi

Kì thi Hoikushi được tổ chức 1 năm 2 lần, ví dụ về lịch trình tham gia thi trong 1 năm như sau:

<Nửa đầu>

Tháng 1: Đăng ký dự thi
Tháng 4: Thi viết
Tháng 6: Thông báo kết quả thi viết/Gửi phiếu dự thi thực hành
Tháng 7: Thi thực hành
Tháng 8: Thông báo kết quả đỗ/Gửi thông báo đỗ 1 số môn

<Nửa cuối>

Tháng 7: Đăng ký dự thi
Tháng 10: Thi viết
Tháng 11: Thông báo kết quả thi viết/Gửi phiếu dự thi thực hành
Tháng 12: Thi thực hành
Tháng 1 năm sau: Thông báo kết quả đỗ/Gửi thông báo đỗ 1 số môn

 

Nội dung kì thi Hoikushi

<Thi viết>

Bài thi viết thuộc 9 nội dung như sau và tỷ lệ trả lời đúng phải từ 60% trở lên cho mỗi nội dung. Mỗi nội dung thi đạt có thời hạn hiệu lực là 3 năm, vì vậy ngay cả khi không thể vượt qua tất cả các nội dung cùng một lúc vẫn có thể học lại các nội dung không đạt trong thời hạn hiệu lực và thi tiếp.

  1. Nguyên lí chăm sóc trẻ em (●)
  2. Nguyên lí giáo dục (●)
  3. Chăm sóc mang tính xã hội (★)
  4. Phúc lợi trẻ em và gia đình (★)
  5. Phúc lợi xã hội (★)
  6. Tâm lý học chăm sóc trẻ em
  7. Sức khoẻ trẻ em
  8. Thực phẩm và dinh dưỡng cho trẻ em
  9. Lý thuyết thực tập chăm sóc trẻ em

★… Các nội dung được miễn nếu có bằng nhân viên xã hội, nhân viên chăm sóc, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần

<Thi thực hành>

Chỉ những người đã vượt qua bài thi viết mới được tham gia bài thi thực hành. Bài thi thực hành cho phép chọn 2 trong 3 nội dung sau:

* Nếu có bằng cấp là giáo viên mầm non thì sẽ được miễn thi thực hành

 

Nội dung công việc của Hoikushi

Hoikushi được định nghĩa trong Điều 18 của Đạo luật phúc lợi trẻ em là “người có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, đảm nhiệm chăm sóc trẻ em và hướng dẫn về chăm sóc trẻ em cho cha mẹ của trẻ”. Do đó, công việc của một Hoikushi có thể chia thành 2 nội dung chính là hỗ trợ trẻ em và hỗ trợ cha mẹ.

Hỗ trợ cho trẻ em

Trong thời gian trông giữ trẻ, Hoikushi sẽ thay mặt cha mẹ chăm sóc mọi việc xung quanh trẻ, có sự hướng dẫn bằng lời và trợ giúp thích hợp để trẻ hình thành những thói quen sống cơ bản như chào hỏi, ăn uống, đi vệ sinh, thay quần áo, ngủ… Ngoài ra, thông qua các trò chơi và sự kiện khác nhau theo giai đoạn phát triển và theo mùa, Hoikushi giúp nuôi dưỡng cho trẻ tâm hồn phong phú.

Hỗ trợ cho cha mẹ

Khi chăm sóc trẻ, Hoikushi cần tôn trọng suy nghĩ của cha mẹ về việc “muốn con lớn lên như thế nào”. Nếu cha mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ em, Hoikushi sẽ lắng nghe và đưa ra lời khuyên với tư cách là chuyên gia chăm sóc trẻ em.

 

Nơi Hoikushi làm việc

Ngoài các cơ sở trông giữ trẻ và Trường trẻ em được chứng nhận (認定こども園/Nintei kodomoen), Hoikushi còn làm việc tại câu lạc bộ dành cho trẻ em sau giờ học (trông giữ trẻ em sau giờ học chính và trong kì nghỉ hè), cơ sở hỗ trợ phát triển trẻ em (dành cho trẻ khuyết tật), dịch vụ sau giờ học hoặc cô nhi viện.

Hoikuen: Chuẩn bị đồ đi nhà trẻ

 

Tổng hợp LocoBee

Facebook