Tranh cãi về việc sử dụng đũa gỗ dùng một lần ở Nhật

Các cuộc tranh cãi đã nổ ra trong nhiều năm ở Nhật Bản về giá trị của đũa gỗ dùng một lần. Đây là một dụng cụ ăn uống chủ yếu của các nhà hàng và các bữa ăn bento đóng hộp làm sẵn được bán trong các cửa hàng tiện lợi và siêu thị…

Lãng phí thực phẩm – vấn đề của toàn xã hội

Thực tế và những tranh cãi

Nhật Bản sử dụng rồi vứt bỏ hàng tỷ đôi đũa “waribashi” mỗi năm, và điều đó tạo thành một núi rác thải. Năm ngoái, Nhật Bản đã nhập khẩu 13,8 tỷ đôi đũa dùng một lần, chủ yếu từ Trung Quốc, con số này chỉ bằng hơn một nửa so với con số đỉnh cao đạt được vào giữa những năm 2000.

Sự sụt giảm chủ yếu là do sự chuyển đổi sử dụng đũa làm bằng nhựa tổng hợp và ngày càng có nhiều người mang đũa từ nhà ra ngoài khi đi ăn, một phần vì lý do vệ sinh và cũng vì lo ngại đến môi trường. Một yếu tố khác đến từ việc lượng người đi ăn ở ngoài giảm mạnh khi các quy định về COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, hơn 80% đũa dùng một lần nhập khẩu hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc. Việt Nam chiếm phần lớn số còn lại. Các số liệu cho thấy nhập khẩu đũa đã giảm sau khi đạt mức cao nhất vào năm 2005 là 25,4 tỷ đôi. Vào năm 2020, khi các nhà hàng cắt giảm giờ mở cửa do đại dịch, con số này đã giảm đáng kể xuống 14,2 tỷ đôi từ 17,1 tỷ đôi trong năm trước đó.

Theo Cơ quan Lâm nghiệp, hồ sơ thống kế về số lượng đôi đũa dùng một lần được sản xuất ở Nhật Bản đã không được lưu giữ kể từ năm 2010, trong đó 550 triệu đôi có nguồn gốc trong nước.

Các trung tâm sản xuất chính của Nhật bao gồm khu vực Yoshino ở tỉnh Nara, nơi đũa được làm từ phần còn lại của gỗ sau khi được sử dụng để tạo ra ván hoặc cột nhà. Số lượng đũa dùng một lần được sản xuất trong nước đã giảm kể từ năm 2010 do giá nhập khẩu rẻ.

Những lập luận trái chiều về việc sử dụng đũa dùng một lần bắt đầu rộ lên vào những năm 1990 và 2000. Các nhà phê bình cho rằng chúng tạo ra một lượng lớn chất thải và dẫn đến nạn phá rừng. Tuy nhiên, những người khác lại kiên quyết bảo vệ với lý do chỉ cần một lượng gỗ tương đối nhỏ cho mục đích này. Họ cũng cho rằng đũa dùng một lần khuyến khích sử dụng bền vững đất rừng như một phần của thực hành quản lý rừng được gọi là tỉa thưa.

Cuộc tranh cãi đã thúc đẩy nhiều người bắt đầu sử dụng “đũa của tôi” – họ mang theo khi đi ăn ngoài thay vì dùng một lần. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bắt đầu sử dụng đũa làm bằng nhựa tổng hợp, không chỉ là để bảo vệ môi trường mà cũng là biện pháp giảm chi phí vận hành.

 

Nhìn nhận từ kết quả nghiên cứu

Một nhóm được dẫn đầu bởi Masafumi Inoue, giáo sư thiết kế vật liệu bền vững tại Đại học Tokyo, đã thực hiện một nghiên cứu cách đây 5 năm để so sánh sự phát thải carbon trong vòng đời của đũa dùng một lần và đũa làm bằng nhựa tổng hợp.

Nhóm của ông phát hiện ra rằng quy trình sản xuất đũa gỗ dùng một lần trong nước sử dụng tàn dư gỗ thải ra ít khí nhà kính nhất so với quy trình sản xuất tại Nhật Bản từ cây chặt tỉa thưa rừng và nhựa tổng hợp, tương ứng. Đũa dùng một lần do Trung Quốc sản xuất tạo ra lượng khí nhà kính cao nhất.

Ông Inoue cho biết: “Hiện tượng nóng lên toàn cầu không phải là tất cả những gì bạn phải nghĩ đến vì còn có những thiệt hại khác đối với môi trường, chẳng hạn như gây ra bởi việc sử dụng chất tẩy rửa (để rửa đồ dùng). Một đôi đũa gỗ dùng một lần tạo ra đủ bột giấy để sản xuất hai tờ giấy lụa. Ông nói thêm: “Không dễ để đưa ra kết luận về sản phẩm nào gây lãng phí nhiều tài nguyên hơn.

Giám đốc điều hành của một công ty cho biết: “Mọi người chọn đũa dùng một lần nhập khẩu nếu ưu tiên của họ là mua một lượng lớn chúng. Đũa dùng một lần được sản xuất trong nước bằng cách xem xét đến môi trường và các yếu tố khác”.

Đũa dùng một lần có chỗ đứng trên bàn ăn trên khắp Nhật Bản, cho dù chúng được sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Bạn nghĩ gì về vấn đề này?

91 ẩm thực Nhật Bản chắc chắn phải thử

 

Theo Asahi  

Facebook