Bóng temari, món đồ chơi truyền thống sặc sỡ sắc màu

Những quả bóng temari (手まり) xinh đẹp, đầy màu sắc luôn dễ dàng cuốn hút người nhìn. Chúng không đơn thuần là món đồ chơi của trẻ em ngày xưa, nhưng đã dần trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đầy quyến rũ.

Điều cần biết về văn hoá mừng mẹ tròn con vuông ở Nhật

Thư pháp: “hạt ngọc quý” trong văn hóa Nhật Bản

 

Nguồn gốc của bóng temari

Temari có nguồn gốc từ quả bóng kemari của Trung Quốc, được du nhập vào Nhật Bản trong thời Yamato hơn 1300 năm trước. Tên Temari được hình thành bởi sự kết hợp của các kí tự “te”, nghĩa là bàn tay và mari, nghĩa là quả bóng.

Quả bóng này làm bằng lụa và bông, được thêu theo các họa tiết hình học nhiều màu và được phát triển với tính cá nhân tuyệt vời ở từng khu vực trên toàn quốc.

Trong thời kì Edo, temari trở nên phổ biến hơn bởi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sản xuất sợi bông và còn được gọi là ito-mori (quả bóng sợi). Cũng kể từ đó, vẻ đẹp và vị thế của temari đã dần được nâng cao, trở thành những sáng tác nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, khi thời kỳ Minh Trị (1868–1912) bắt đầu, sự xuất hiện của các quả bóng cao su đã dẫn đến sự suy giảm của temari.

Vào những năm 1960, người thợ thủ công Kagawa, Araki Keiyū đã nỗ lực phục hồi và truyền bá các kỹ thuật liên quan đến temari. Vào năm 1983, cùng với vợ là Yaeko, ông thành lập Hiệp hội Bảo tồn Sanuki Kagari Temari ở Kanonji.

 

Văn hoá temari trong cuộc sống hiện đại

Ngày nay, Nhật Bản vẫn tiếp tục phát triển văn hóa dân gian temari phong phú của mình và biến temari trở thành một loại hình nghệ thuật tuyệt đẹp với những sợi chỉ sáng màu, những bức tranh thêu tinh xảo, những lớp vải bọc phức tạp, những đường khâu tuyệt đẹp và vô số hoa văn.

Đặc biệt, sau khi các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế được tổ chức tại Hoa Kỳ vào những năm 1960, temari bắt đầu xuất hiện ở Hawaii và dọc theo Bờ Tây nước Mỹ như một món quà để tặng khi viếng thăm nhà người khác.

 

Ý nghĩa của temari

Theo truyền thống, temari được tặng cho trẻ em vào đầu năm mới để cầu chúc bình an và hạnh phúc cho các em. Ngày nay, quả bóng nhỏ này còn là biểu tượng của năm mới và thiếu nữ, nên còn xuất hiện trong các họa tiết trên kimono của phụ nữ trẻ và trẻ em.

Ngoài ra, một bộ kimono có họa tiết bóng temari cũng được tặng cho cô dâu với hy vọng cô ấy sẽ có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.

Hiện nay, temari có khoảng 200 mẫu khác nhau được ghi nhận. Trong đó, nhiều loại sử dụng các họa tiết theo mùa cổ điển của Nhật Bản, chẳng hạn như hoa anh đào mùa xuân, họa tiết mai rùa với ý nghĩa xua trừ ma quỷ…

Mẫu “hoa cúc kép” futatsu giki với họa tiết hai bông cúc chia temari thành 2 nửa. Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ hiện đại đã tạo ra các thiết kế phá cách, mang tính hiện đại hơn cho một món đồ đầy tính truyền thống.

Bạn có thấy temari đẹp không nào?

Ngày văn hoá 3/11 ở Nhật có gì?

 

Tổng hợp LOCOBEE

Facebook