Mặc dù là đất nước nổi tiếng với ngành công nghiệp tình dục nhưng giáo dục giới tính lại hiếm khi được đề cập tại các bậc học từ cấp 1 đến cấp 3 của Nhật Bản. Những năm gần đây, khi số lượng các vụ xâm hại tình dục, bạo lực tình dục, mang thai ngoài ý muốn, mang thai tuổi vị thành niên… tăng dần đã khiến các nhà giáo dục phải bắt đầu phương thức giáo dục mới từ tháng 4 năm sau.
Nội dung bài viết
Mang thai ngoài ý muốn hay thiếu kiến thức tình dục
Aya (tên đã thay đổi) là nhân viên văn phòng ở độ tuổi 20 sống ở Kansai. Sau khi cảm thấy cơ thể có sự thay đổi Aya đã đi khám ở khoa sản và biết mình mang thai. Cô vô cùng bất ngờ bởi bản thân chưa hề có sự chuẩn bị nào. Aya đã tự mình đi phá thai mà không nói cho cha mẹ cũng như người yêu. Cô nghĩ rằng mình đã tránh thai với người yêu nhưng kết quả cho thấy biện pháp tránh thai của cô là không đúng. Aya nói rằng cô thực sự muốn được học những kiến thức đúng đắn về tình dục ở trường.
Sumaruna
Sumaruna (スマルナ) là ứng dụng cho phép các chuyên gia như nữ hộ sinh nhận tư vấn tình dục miễn phí thông qua ứng dụng trò chuyện. Số lượt tải xuống của Sumaruna đã tăng mạnh kể từ tháng 3 khi virus corona bắt đầu xuất hiện và hiện đang gấp khoảng 4 lần trước khi có corona, đạt 40.000 lượt mỗi tháng. Người phụ trách ứng dụng rất ngạc nhiên là thế hệ trẻ Nhật Bản ngày nay thiếu kiến thức nghiêm trọng về tình dục. Chẳng hạn có những câu hỏi như:
- Em không có thai vì người yêu xuất tinh ra ngoài đúng không?
- Em tránh thai thất bại thì giờ rửa âm đạo có được không?
Chậm trễ trong giáo dục giới tính
Có một điều mà không phải ai cũng biết là các lớp giáo dục thể chất và sức khỏe ở trường trung học cơ sở tại Nhật Bản hầu như không dạy các phương pháp tránh thai cụ thể. Trong năm học đầu tiên tại trung học cơ sở, học sinh sẽ học về sự khác biệt khi lớn lên giữa cơ thể của nam và nữ, tìm hiểu cách trứng đã thụ tinh phát triển trong tử cung như thế nào. Tuy nhiên, sách giáo khoa không đề cập đến hoạt động tình dục. Thực tế là hầu như không dạy cách tránh thai. Điều này được giải thích là do trong hướng dẫn học tập quốc gia từ năm 1998 đã ghi rằng không nhắc đến quá trình mang thai.
Trước những vụ việc liên quan đến tình dục bắt nguồn từ SNS hay các cuộc biểu tình phản đối tác hại của bạo lực tình dục, Chính phủ Nhật đã dự định bắt đầu chương trình giáo dục mới mang tên “giáo dục an toàn cho cuộc sống” từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học, bắt đầu từ tháng 4/2021. Tuy nhiên, một bộ phận cảm thấy không tốt khi đi quá sâu vào việc dạy kiến thức tình dục cho trẻ em nên chủ trương không đề cập đến hoạt động tình dục và biện pháp tránh thai.
Một số trường học đã bắt đầu tìm cách giáo dục trẻ em trước các nguy cơ tình dục, đơn cử như một trường trung học cơ sở Tajima ở thành phố Osaka. Từ tháng 4 năm nay trường đã áp dụng chương trình giáo dục mới để ngăn chặn khả năng xuất hiện nạn nhân cũng như thủ phạm tình dục. Trong năm đầu tiên của trường trung học cơ sở, học sinh sẽ học về những thay đổi trong cơ thể, cách vượt qua những vết thương về tình cảm. Trong năm thứ hai trung học cơ sở, học sinh sẽ học cách đối phó với “bạo lực hẹn hò” – một nguyên nhân dẫn đến bạo lực tình dục. Tuy nhiên ngay cả trong những lớp học nâng cao này giáo viên cũng sẽ không dạy về hoạt động tình dục hoặc biện pháp tránh thai.
Truyền tải mà không che giấu
Tại Đức, chủ đề mà học sinh trung học năm nhất được học trong lớp sinh học là biện pháp tránh thai. Trên bàn học sẽ có sẵn nhiều loại thuốc tránh thai và dụng cụ tránh thai để học sinh quan sát trực tiếp bằng tay. Ngoài ra còn có thực hành gắn bao cao su vào mô hình dương vật bằng gỗ với yêu cầu không để không khí lọt vào đầu bao cũng như không bị nhầm mặt trước và mặt sau. Điều ấn tượng là học sinh hầu như không có bất kỳ cử chỉ cười đùa nào, cả nam và nữ đều trao đổi ý kiến và đặt câu hỏi với vẻ mặt nghiêm túc. Mối quan hệ tin cậy giữa giáo viên và học sinh cũng như việc nghiêm túc học làm khía cạnh khiêu dâm thường có xu hướng đi kèm với chủ đề tình dục bị loại bỏ. Ở Đức, chương trình giáo dục là khác nhau giữa các bang nhưng đều thống nhất về giáo dục giới tính toàn diện như nội dung học, các biện pháp tránh thai và bạo lực tình dục. Trong sách giáo khoa mà học sinh sử dụng không chỉ có bao cao su, thuốc uống mà còn có các biện pháp tránh thai dùng riêng cho phụ nữ được giới thiệu chi tiết bằng hình ảnh.
Tại Đài Loan, giáo dục giới tính được thực hiện dưới tên gọi “giáo dục bình đẳng giới” bao gồm một loạt các vấn đề như tầm quan trọng của bình đẳng giới và xóa bỏ các định kiến như “nam tính” và “nữ tính”. Từ năm thứ hai trung học cơ sở, học sinh sẽ tìm hiểu về các biện pháp tránh thai. Điều này là để bảo vệ chính các em khỏi việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Học sinh cũng sẽ học được tầm quan trọng của sự đồng ý, chẳng hạn như nói KHÔNG nếu không muốn quan hệ tình dục.
Giáo dục giới tính là quyền cơ bản của con người
Ở nước ngoài, đảm bảo giáo dục giới tính là một phần quan trọng của “quyền tình dục”. Do đó nó được công nhận rộng rãi như một phần quan trọng trong quyền cơ bản của con người.
Năm 2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO đã xuất bản “Hướng dẫn giáo dục giới tính quốc” với khuôn khổ của giáo dục tình dục toàn diện. Đài Loan và các nước khác ở châu Âu và châu Á đã dựa trên hướng dẫn này để thực hiện các chính sách giáo dục giới tính.
Hiện nay việc giáo dục giới tính của Nhật Bản vẫn còn đi sau so với các nước nhưng Nhật Bản đang dần thực hiện những bước đi quan trọng để mỗi người “bảo vệ chính mình” và “tôn trọng đối phương”.
EdTech – xu hướng làm thay đổi giáo dục Nhật Bản?
Theo NHK