Tháng 4 mới là mùa khai trường tại Nhật nhưng ngay từ đầu năm các gia đình có con nhỏ đã tranh thủ đi mua cặp chống gù lưng Randoseru. Gần đây mặc dù có thêm nhiều màu sắc và chất liệu khác nhau xuất hiện nhưng giá thành của Randoseru thì tăng lên theo năm.
Nội dung bài viết
Randoseru cao cấp
Những năm 1980, Randoseru thường có 2 màu chủ đạo là đỏ và đen, loại cao cấp nhất khoảng 200.000 yên (42 triệu đồng). Hiện tại thị trường Randoseru đã xuất hiện nhiều loại với màu sắc và chất liệu vô cùng phong phú. Đơn cử như Radoseru của mikihouse. Chất liệu da được sử dụng là da ngựa và 1 tấm da ngựa chỉ đủ để làm 2 chiếc cặp. Với 2 màu đỏ rượu vang và đen cùng số lượng giới hạn 30 chiếc nên giá 1 chiếc Randoseru này là 200.000 yên.
Nguyên nhân giá Randoseru tăng
Nhà nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng tại Viện nghiên cứu Nissay cho hay, tỉ lệ sinh giảm và tình trạng ví tiền là 2 nguyên nhân cơ bản làm giá Randoseru tăng dần. Tỉ lệ sinh giảm khiến cho mức chi tiêu của gia đình dành cho một đứa trẻ tăng lên. Thêm vào đó không chỉ có cha mẹ mà ông bà cũng đóng góp thêm tiền cho cháu nghĩa là có đến 6 chiếc ví đang mở ra cho 1 đứa trẻ nên đã đẩy giá Randoseru tăng.
Học sinh tiểu học phải dùng Randoseru?
Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) trả lời rằng “không có bất cứ luật hoặc quy định nào về việc sử dụng Randoseru”. Chính bản thân MEXT cũng không hiểu vì sao rất nhiều học sinh tiểu học dùng Randoseru. Hội đồng giáo dục quận Shibuya cũng trả lời rằng không có quy định cụ thể nào về việc dùng Randoseru, có lẽ học sinh tiểu học ở Nhật Bản đã quá quen với hình ảnh của Randoseru nên kể cả không bắt buộc nhiều trẻ em vẫn dùng Randoseru.
Thay đổi về cặp sách đi học
Tại thành phố Otaru, Hokkaido, rất nhiều trẻ em đang dùng Napurando để đi học. Đây là chiếc cặp có dáng như Randoseru nhưng làm bằng nylon nên trọng lượng chỉ khoảng 650g, giá cũng chỉ trên dưới 6.000 yên (1.200.000 đồng). Những chiếc cặp Randoseru là điều đáng phải suy nghĩ với những gia đình có kinh tế không được dư dả. Một số chính quyền địa phương đang tái sử dụng Randoseru và tặng lại cho các gia đình khó khăn như một phần của việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em.
Randoseru không phải là loại đồ dùng bắt buộc phải dùng ở bậc tiểu học nhưng nó vẫn là lựa chọn của khá nhiều gia đình. Bên cạnh những chiếc Randoseru “xa xỉ” thì trong tương lai các gia đình tại Nhật có lẽ sẽ lựa chọn các loại túi đi học khác cho con mình.
Món quà ấm áp gửi tới trẻ em thành phố Sapporo từ người hùng trong truyện Tiger Mask
Tổng hợp LOCOBEE