Tại Nhật Bản, nếu có vấn đề về tội phạm, trộm cắp, tai nạn giao thông người dân sẽ gọi đến số 110 để thông báo cho cảnh sát. Tuy nhiên không phải lúc nào các cuộc gọi này cũng thực sự mang thông tin hữu ích hoặc giúp cảnh sát nắm bắt được tình hình trị an.
Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2019 sở cảnh sát trên toàn Nhật Bản nhận được 8.299.775 cuộc gọi đến số 110. So với cùng kì năm trước số cuộc gọi đã giảm 59.937 cuộc. Số cuộc gọi không cần xử lí khẩn cấp là 1.524.542 cuộc chiếm 18,4%, giảm 79.179 cuộc so với cùng kì năm trước.
Chia theo nội dung cuộc gọi không cần xử lí khẩn cấp có rất nhiều trường hợp khiến cảnh sát “cười ra nước mắt”:
- 46,3% là câu hỏi dạng: số điện thoại để gọi xe cấp cứu là số nào, giờ mở cửa của quán này là lúc nào, làm thế nào để cấp đổi bằng lái xe…
- 43,8% là yêu cầu, than phiền, nhờ tư vấn dạng: tôi muốn cài đặt đèn tín hiệu giao thông, con tôi không nghe lời, các anh hãy đến thay tôi xử phạt nó…
- 9,9% là báo động giả, thông báo sai như trước ga có người bị thương, tôi bị mất trộm xe (thực tế là xe không mất)…
- Ngoài ra còn có các lí do khác như: trong nhà tôi có rắn, hôm nay là thứ mấy? bây giờ là mấy giờ?
Cơ quan cảnh sát Nhật Bản lo ngại rằng việc tập trung vào các cuộc gọi như trên khiến các cuộc gọi thực sự cần trợ giúp bị lỡ mất. Những trường hợp tệ nhất sẽ bị xác định là hành vi cản trở thực hiện công vụ và vi phạm Luật phạm tội mức độ nhẹ (khai man, đưa thông báo giả…). Nếu muốn liên lạc với cảnh sát về những vấn đề không khẩn cấp người dân có thể gọi tới số 9110.
Thời gian trung bình từ lúc cảnh sát nhận được cuộc gọi cho đến khi tới hiện trường là 8 phút 6 giây. Đến năm 2017 con số này đã giảm còn khoảng 7 phút nhưng đến năm 2018 lại tăng lên 7 phút 25 giây.