Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, việc đưa vào sử dụng vòng xuyến (vòng xoay, bùng binh hay RAB) trong giao thông đã làm giảm một nửa số vụ tai nạn giao thông chết người. Cho đến nay trên toàn quốc đã có 87 địa điểm đang sử dụng vòng xuyến và Cơ quan này đang tiếp tục liên kết với các bên quản lí đường bộ để xây dựng thêm ở những nơi phù hợp.
Vòng xuyến bắt đầu được triển khai ở Nhật Bản với tên gọi “giao lộ hình tròn” theo Luật giao thông đường bộ sửa đổi thực thi từ tháng 9 năm 2014. Tính đến tháng 3 năm 2019 đã có 31 tỉnh thành có vòng xuyến. Vòng xuyến không sử dụng đèn tín hiệu nên nó được lắp đặt nhiều nhất ở Miyagi (20 điểm) như một đối sách để chống thiên tai thảm hoạ. Ngoài ra ở Nagano có 7 điểm, Aichi có 6 điểm, Fukuoka 5 điểm, Osaka 5 điểm, Saitama 4 điểm.
Trong một cuộc khảo sát về 66 điểm lắp đặt vòng xuyến (không tính xây mới) tính đến tháng 3 năm 2018, số vụ tai nạn chết người mỗi năm trước khi có vòng xuyến từ năm 2015 đến 2017 là 13,7 vụ, sau khi lắp đặt vòng xuyến năm 2018 chỉ có 7 vụ.
Vòng xuyến phù hợp với lối ra của đường cao tốc, đường dân cư ngoại thành có ít phương tiện và người đi bộ, tuy nhiên lại dễ xảy ra ách tắc nếu có các điều kiện thay đổi. Người khiếm thị đi qua đường dành cho người đi bộ dựa vào đèn tín hiệu có âm thanh, tiếng động cơ ô tô, gạch tenji (khối xúc giác)… Đối với họ vòng xuyến khá nguy hiểm bởi nó không có đèn tín hiệu sang đường, ô tô di chuyển với tốc độ chậm nên rất khó để nghe thấy tiếng của động cơ. Chính vì vậy mà Cơ quan Cảnh sát quốc gia và các nhà quản lí đường bộ đang có các biện pháp cho thực trạng trên như lên kế hoạch phổ biến luật ưu tiên cho người đi bộ bằng biển báo, tạo rãnh trên mặt đường để phát ra âm thanh khi ô tô chạy qua…
Vòng xuyến ra đời ở Anh vào những năm 1960 rồi lan rộng đến châu Âu và châu Mỹ. Người ta cho rằng cấu trúc của vòng xuyến ngăn chặn được những tai nạn nghiêm trọng. Nó có ưu điểm là không cần đèn tín hiệu nên không bị ảnh hưởng bởi sự cố mất điện và thời gian chờ đèn chuyển màu cũng như chi phí bảo trì đèn. Tuy nhiên, nó lại cần nhiều mặt bằng hơn đường bình thường và có điểm bất lợi là không dành cho người đi bộ cũng như khoảng cách di chuyển dài hơn.
Luật và văn hoá giao thông ở Nhật Bản
Theo 朝日