Ở lại qua đêm tại các ngôi chùa ở Nhật đã và đang trở thành hoạt động được yêu thích của khách du lịch người nước ngoài. Đây được xem là hình thức để tìm ra hướng tồn tại mới trong bối cảnh cả dân số và số người dân theo Phật Giáo đang có chiều hướng giảm ở quốc gia này.
Hãy cùng tìm hiểu về mức giá cũng như mục đích đằng sau dịch vụ này nhé!
Tình hình hiện tại
Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết khoảng 80% khách nghỉ lại ở các chùa đều đến từ các nước phương Tây. Hiện tại trên toàn Nhật Bản có tầm 300 đơn vị phòng nghỉ tại các nhà chùa.
Với mục đích để khách nước ngoài có thể làm quen với văn hoá Nhật Bản, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo – Nippon Foundation và một số nhà chùa ở Kyoto đã tham gia vào dự án mang tên Iroha Nihon nhắm tới đối tượng mục tiêu là những khách du lịch nước ngoài thuộc tầng lớp giàu có. Dự án nhằm mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về Nhật Bản và sự đánh giá cao các tài sản văn hoá thông qua các chương trình như tụng kinh và thưởng thức trà đạo tại chùa dành cho du khách. Thường thì các hoạt động này được tổ chức trước công chúng.
Kể từ tháng 9 năm 2016, các ngôi chùa ở Kyoto như Shinnyoji, Kaihoji, Eimei-in, Daijiin và Kounji đều cung cấp chỗ nghỉ lại cho du khách. Giá thông thường cho 1 đêm là 150.000 yên (trên 30 triệu đồng). Cho đến nay, đã có 148 nhóm với tổng 476 khách đã từng nghỉ lại các ngôi chùa này.
Hiệp hội Văn hoá Kyoto, đơn vị điều hành dự án này cho biết rất nhiều du khách có sự quan tâm sâu sắc dành cho thiền định và các chủ đề khác liên quan. Họ đã hỏi các nhà sư rất nhiều.
Kể từ tháng 5 năm 2018, một di sản thế giới khác là Ninnaji – ngôi chùa Phật Giáo được ra đời vào năm 888 bởi Hoàng đế Uda tại Kyoto cũng đã chấp nhận cho khách ở lại qua đêm tại Shorin-an được thiết kế bằng gỗ. Giá cho một đêm là 1.000.000 yên (hơn 200 triệu đồng).
Ngoài ra du khách còn có thể thuê một phòng theo phong cách hoàng gia trong 3 giờ để thưởng thức Gagaku – loại nhạc cung đình cổ xưa của Nhật Bản. Ngoài ra họ có thể tụng kinh hay tìm hiểu các bức tranh trên cửa – fusuma.
Mục đích của hoạt động
Mặc dù giá khá cao nhưng tính đến nay cũng đã có 9 nhóm với 48 khách đã nghỉ lại ở chùa Ninnaji. Phía nhà chùa cho biết “chùa Ninnaji là ngôi nhà của khoảng 30.000 tài sản văn hoá và bảo vật quốc gia. Để bảo tồn và duy trì được chúng cần phải mất một chi phí đáng kể. Số tiền đến từ việc quyên góp thực sự không đủ. Vì thế chương trình này của chúng tôi một phần cũng với mục đích để trang trải cho chi phí này”.
Thêm vào đó, Ninnaji và 5 ngôi chùa khác ở Kyoto cũng có dự định sẽ phân bổ một phần tiền vào việc khôi phục các tài sản văn hoá bị tàn phá bởi thiên tai.
Quỹ Nippon Foundation cho biết họ sẽ tiến hành dự án này tại Kyoto và Nara và sau đó mở rộng ra tại 100 địa điểm trên toàn Nhật Bản. “Terahaku” là trang web phục vụ cho hoạt động nghỉ lại tại các nhà chùa được thành lập vào hè năm 2018. Hiện tại có 30 ngôi chùa trên toàn Nhật Bản có mặt tại website này.
Theo The Mainichi
bình luận