Từ xa xưa trà đã được lưu truyền từ Trung Quốc đến Nhật Bản rồi phát triển thành văn hoá truyền thống mang đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Trà có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới và mỗi nơi lại có nét độc đáo riêng. Ở Nhật Bản, trà không chỉ là thức uống mà còn là nét văn hoá đặc trưng bởi cách pha, cách thưởng thức… Tất cả những điều này được gọi chung là “trà đạo” (茶道 – sado) và người pha trà được gọi là “trà nhân” (chajin, chabito).
Văn hoá trà đạo
Mục đích của trà là mọi người cùng thưởng thức trà và bánh ngọt với tâm trạng thật tốt để cùng trân trọng bày tỏ lòng hiếu khách với nhau. Trà đạo là sự tinh tế đến từ nghi thức và quá trình thưởng trà.
Nghi thức cơ bản trong trà đạo
Trà đạo có rất nhiều nghi thức, ví dụ thứ tự ngồi. Vị trí gần nhất với trà nhân là chính khách (shokyaku) – là vị khách đại diện cho những người cùng đến thưởng trà. Tiếp theo đó là thứ khách (jikyaku) – vị khách thứ hai và tam khách (sankyaku) – vị khách thứ ba, cuối cùng là otsume – người khách cuối cùng.
Trong trà đạo khăn giấy (kaishi) giữ vai trò khá quan trọng. Đây là mảnh giấy được gấp gọn và để trong túi dùng để lau miệng và bát trà hoặc để bánh ngọt (wagashi). Sau khi dùng xong người thưởng trà phải tự đem về để vứt chứ không được để lại. Khi nhận được bánh ngọt, người thưởng trà sẽ vừa cúi đầu vừa nói với người bên cạnh mình rằng “osakini” (Xin mời anh dùng trước), sau đó vừa cúi đầu với hosuto (người dẫn dắt chính trong buổi trà đạo) vừa nói “chodaishimasu” (Tôi xin phép nhận) rồi dùng đũa tre có sẵn gắp bánh vào khăn giấy của mình.
Khi uống trà, đầu tiên phải cầm bát bằng 2 tay, sau đó xoay 2 lần theo chiều kim đồng hồ rồi từ từ uống hết trong vài lần. Việc xoay bát trà là để tránh làm bẩn hoạ tiết được vẽ trên chính diện của bát trà. Trước khi trả lại bát trà cần xoay 2 lần theo chiều ngược kim đồng hồ để trả bát trà về vị trí chính diện như ban đầu.
Thưởng thức trà đạo
Trong trà đạo có rất nhiều nghi thức chi tiết khác nhưng bạn không cần phải lo lắng về điều này. Bạn chỉ cần làm theo thao tác của chính khách ngồi gần chủ trà nhất là được.
Bản chất của trà đạo là “sự tiếp đón”. Chính vì vậy bạn không cần quá để ý mà hãy thả lỏng bản thân để thưởng thức vị ngon của trà và vị ngọt của bánh. Mục đích chính của trà đạo là để mọi người có thêm kiến thức và sự hiểu biết về văn hoá nên dù có làm sai gì thì chủ trà và những người khác cũng sẽ vui vẻ với điều đó.
Trên khắp Nhật Bản đều có phòng học và trải nghiệm trà đạo. Có những nơi còn có dịch vụ trải nghiệm dành riêng cho người nước ngoài. Nếu có cơ hội hãy thử trải nghiệm nét văn hoá truyền thống độc đáo của Nhật Bản nhé!
MTWアキ (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.