Dâu tây là loại hoa quả khá phổ biến vào mùa xuân. Cùng với sự tiến bộ về chủng loại và chất lượng, dâu tây Nhật Bản đang trở thành mặt hàng thu hút được khách hàng cả trong lẫn ngoài nước.
Hiện nay Nhật Bản có khoảng hơn 100 giống dâu tây – một con số khá áp đảo so với các loại trái cây khác. Ngoài dâu tây tươi còn có rất nhiều sản phẩm “ăn theo” như: nước trái cây, đồ ăn, bánh kẹo ngọt… Giám đốc điều hành Sembikiya – chuỗi cửa hàng chuyên mua bán trái cây – ông Ushio Takahashi cho biết “Bí mật tạo nên sự nổi tiếng của dâu tây là hình dạng, kích thước và màu đỏ bắt mắt”.
Lịch sử của dâu tây
Nhắc đến dâu tây rất nhiều người sẽ nghĩ tới vị ngọt của nó nhưng thực ra ban đầu dâu tây có vị khá chua. Những quả dâu tây có vị “ngọt” như ngày nay bắt đầu xuất hiện từ thời Heisei. Dâu tây tại Nhật được canh tác bài bản từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Các nhà sản xuất thời đó đã bắt đầu theo đuổi kĩ thuật trồng trọt chăm sóc như kéo dài thời gian thu hoạch, làm sao để quản lí dễ dàng hơn… Sự phổ biến của bánh Giáng sinh vào những năm 1970 làm cho nhu cầu về dâu tây trong mùa đông cũng tăng theo. Thập niên 80 là một bước ngoặt đối với dâu tây bởi sự bùng nổ những người tiêu dùng sành ăn có thu nhập khá. Việc đăng kí giống theo khu vực sản xuất cũng xuất hiện như とよのか (toyonoka, năm 1984), 女峰 (nyohyo, năm 1985).
Ảnh: rakuten
Một số giống dâu tây mới được ra đời hết sức tình cờ. Đơn cử như dâu tây trắng 淡雪 (awayuki) được sinh ra từ giống さがほのか (sagahonoka) rất to và ngọt. Awayuki có phần thịt quả màu trắng nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng của dâu tây nên rất được ưa chuộng để làm quà tặng.
Giá cả
Ảnh: sembikiya.co.jp
Cùng với chất lượng thì giá thành của dâu tây cũng không ngừng tăng. Loại dâu tây bán chạy nhất ở mức giá khoảng 500 yên (100.000 đồng)/hộp. Giống dâu tây “クイーンストロベリー” (Queen Strawberry) bán tại Sembikiya có giá là 8.000 yên với 12 quả (1.600.000 đồng). Đây là giống dâu do 11 nhà vườn tại tỉnh Kagawa chuẩn bị trong hơn 5 năm với đặc trưng là sự cân bằng giữa màu đỏ đậm và vị ngọt. Queen Strawberry được đóng gói trong hộp gỗ nên thường được lựa chọn làm quà tặng.
Blogger HikakinTV đã mua 3 quả dâu tây giá 50.000 yên/quả để thưởng thức
Một giống dâu cao cấp khác phải kể đến là “美人姫” (bijinhime) với trọng lượng khoảng hơn 80g – tương đương với nắm tay của một đứa trẻ. Đây là giống dâu của nông trại Okuda thành phố Hashima tỉnh Gifu. Độ ngọt của nó là trên 20 độ và giá bán có thể lên tới 50.000 yên (10 triệu đồng)/quả.
Trải nghiệm hái dâu
Ở Nhật Bản dâu tây có thể được bán quanh năm nhưng rộ nhất là thời điểm từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5. Trong thời gian này các tour du lịch rất hay tổ chức các chuyến thăm quan kết hợp ăn dâu thoả mái trong thời gian quy định tại nhà vườn – một trải nghiệm được rất nhiều người lớn và trẻ nhỏ yêu thích. Nguồn gốc của việc hái dâu được cho là từ thế kỉ 19 rồi sau đó lan rộng trong thời kì Showa. Gần đây khách du lịch từ nước ngoài đến Nhật Bản cũng rất ưa chuộng loại hình trải nghiệm này.
Cách ăn dâu tây ngon nhất
Nếu để ý bạn sẽ thấy khu vực bán dâu tại siêu thị thường có bán các tuýp sữa đặc. Nguyên nhân của việc này là do dâu tây trong thời Showa có hàm lượng đường chỉ khoảng 10 độ, vị chua nhiều hơn ngọt nên cần ăn kèm sữa đặc. Tuy nhiên dâu tây ngày nay có hàm lượng đường khá cao (khoảng 15 độ) nên không nhất thiết phải ăn cùng sữa đặc.
Độ ngon của dâu tây có thể đánh giá bằng việc nhìn bề ngoài với 2 tiêu chí là quả to và phần núm có vểnh lên không. Nếu thích vị ngọt bạn nên ăn ở nhiệt độ phòng. Còn nếu muốn ăn dâu tây với cảm giác hơi cứng và mát thì nên cho vào tủ lạnh. Sau khi mua hãy giữ lạnh trong vòng từ 2-3 tiếng và để ở nhiệt độ phòng khoảng 10 phút để thưởng thức được vị ngọt của phần thịt dâu cũng như kết cấu đặc biệt của nó.
Naoko (LOCOBEE)
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.