Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Nhật Bản điêu đứng vì các video thiếu chuẩn mực của nhân viên làm thêm

Các chuỗi nhà hàng, cửa hàng tiện lợi (combini) những tháng đầu năm 2019 gặp đầy sóng gió vì những video gây bức xúc cho người tiêu dùng. Những video đó do chính những người làm thêm (baito) thuộc hệ thống đùa giỡn, quay và tung lên mạng. Người ta gọi đó là “baito tero” có nghĩa là “người làm thêm khủng bố”. Những hình ảnh được xây dựng hàng chục năm của các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản bị tổn hại bởi chính baito tero này.

 

Liên tiếp các video thiếu suy nghĩ được tung lên mạng

Từ đầu tháng 2 là các video của những nhân viên thuộc hệ thống combini  lớn như 7-eleven, Family Mart. Bên mảng dịch vụ nhà hàng đó chính là sushi băng chuyền Kurasushi, Bamiyan của Skylark, quán karaoke Big Echo. Khi xác định rõ ràng đó chính là nhân viên của hệ thống mình, phía doanh nghiệp đã phải tiến hành xin lỗi một cách công khai trên các kênh truyền thông.

Đây là một trong những video thiếu nghiêm túc do nhân viên của chuỗi nhà hàng Ootoya đăng lên SNS

Đó chính là vấn đề không thể bỏ qua trong quản lý hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn là việc hình ảnh của doanh nghiệp bị tổn hại, làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh.

 

Tại sao vấn đề này lại liên tiếp xảy ra như vậy?

Vấn nạn các video thiếu văn hoá được đăng tải và lan truyền trên Twitter, Youtube đã xuất hiện từ 10 năm về trước. Hiện nay khi mà các trang mạng xã hội, các ứng dụng như Instagram hay Tick Tok đang ngày càng được ưa chuộng thì những video được đăng tải bởi người dùng ngày càng thu hút được sự chú ý của nhiều người. Thêm vào đó việc phát triển các dịch vụ video tự biến mất sau khi đăng tải trong vòng 24 giờ càng làm cho con người ta có thể dễ dàng đăng tải các video nhiều hơn. Đó chính là bối cảnh của sự việc lần này.

 

Các doanh nghiệp cũng đã tiến hành các biện pháp xử lý. Tuy nhiên, hầu hết các baito của doanh nghiệp là các sinh viên, đến tháng 4 (mùa tốt nghiệp) thì lại phải thay người mới vào. Chính vì thế mà điều này rất khó có thể xử lý một cách triệt để.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường ưu tiên các biện pháp nhanh để dịu tình hình xuống chứ không thực hiện các biện pháp liên quán đến luật pháp (như đâm đơn kiện vì bị phá hoại hình ảnh…).

 

Hành động của các doanh nghiệp

Hiện tại, các doanh nghiệp đang tăng cường các biện pháp nhằm tránh tình trạng tái phạm xảy ra. Ví dụ từ tháng 4 năm nay, 7eleven sẽ áp dụng cải cách hệ thống sách hướng dẫn trong quá trình làm việc cho người lao động, nghiêm cấm mọi hành vi thu hình với mục đích cá nhân tại cửa hàng hay tải lên mạng truyền thông xã hội.

Kurasushi bên cạnh việc thực hiện các buổi đào tạo về vấn đề vệ sinh thực phẩm, việc sử dụng các phương tiện truyền thông SNS tại tất cả các cửa hàng thuộc hệ thống trên toàn quốc còn xem xét nghiêm cấm việc mang điện thoại vào nơi làm việc.

 

Có hay không việc bất mãn của nhân viên làm thêm đối với doanh nghiệp?

Có ý kiến cho rằng, đối với tiền lương của một nhân viên làm thêm thì số lượng công việc được giao phó đang là quá nhiều, phải chăng vì thế mà họ cảm thấy bất mãn? Về vấn đề này, phải công nhận rằng hầu hết nhân viên ở các nhà hàng, dịch vụ, combini là nhân viên không chính thức. So với lương của một nhân viên chính thức thì nó đang ở mức thấp hơn rất nhiều.

Việc luật hoá các hình thức xử lý, tăng cường các biện pháp tái phạm có thể là cần thiết lúc này. Bên cạnh đó, làm thế nào để tạo ra được một môi trường làm việc văn hoá, một mức lương giờ hợp lý cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải đối mặt.

 

Theo NHK

Facebook