Có thể nói công việc của học sinh chính là học. Tuy nhiên do những khó khăn về kinh tế hay chi phí trang trải cuộc sống mà thực trạng du học sinh phải đi làm thêm là không hề hiếm. Tuy nhiên khi làm thêm tại Nhật, khác với quốc gia của mình, du học sinh phải tuân thủ những hạn chế nhất định. Nếu như không tuân thủ thì sẽ bị coi là lao động trái pháp luật và phải chịu những hình thức xử lý từ nộp phạt đến trục xuất về nước.
Việc nắm rõ những luật lệ này để có thể đảm bảo sự cân bằng giữa học và làm là vô cùng quan trọng.
Tư cách hoạt động ngoài visa (資格外活動許可)
Trước khi đến Nhật du học sinh được cấp một tư cách cư trú là du học, tư cách này không cho phép chủ thể được làm thêm. Chính vì vậy du học sinh cần phải có tư cách lao động khác với visa được cấp được gọi là “Shikaku gai katsudo kyoka”. Để có thể xin được tư cách này hãy tải tài liệu sau tại trang chính thức của Bộ Tư Pháp Nhật Bản theo đường link sau:
https://www.moj.go.jp/ENGLISH/index.html
Sau đó đơn này sẽ phải nộp ở Cục quản lý xuất nhập cảnh gần nhất so với nơi bạn ở (Nyukoku kanri kyoku hay còn gọi là Nyukan). Thời gian xử lý đơn từ 2 tuần đến 2 tháng chính vì vậy càng thực hiện sớm càng tốt.
Một tuần chỉ được làm tối đa 28 tiếng
Không được làm dài như những học sinh Nhật, các bạn du học sinh chỉ được làm tối đa 28 tiếng một tuần kể cả làm thêm giờ (1 ngày có thể làm trên 8 tiếng). Nhất định hãy tuân thủ nghiêm điều này nhé.
Tại Nhật, hiện nay tình trạng du học sinh làm quá giờ đang là một vấn đề đối với cả người đi làm lẫn người thuê lao động bởi cả 2 bên đều là những người phạm luật.
Trong những kỳ nghỉ dài số giờ làm được phép tăng
Tại những trường tiếng, trường chuyên môn (senmon) hoặc đại học hằng năm đều có những kỳ nghỉ dài từ 2 tuần đến một tháng. Du học sinh có thể được làm tối đa 40 tiếng một tuần và một ngày không được quá 8 tiếng.
Để có thể được làm dài như vậy, du học sinh phải xin chứng chỉ tại trường và báo với người sắp xếp lịch tại nơi làm thêm. Chứng chỉ này được gọi là Choki kyuka shomeisho (長期休暇証明書) – giấy xác nhận là du học sinh này đang trong kỳ nghỉ dài. Lưu ý có những kỳ nghỉ được cấp giấy và không được cấp giấy. Chỉ với những kỳ nghỉ có cấp giấy mới được làm tối đa 40 tiếng.
Hãy nhớ tuân thủ những quy định trên khi làm thêm ở Nhật nhé. Một khi bạn phá vỡ quy tắc thì bạn sẽ rất khó trong quá trình xin visa khi có ý định làm việc tại Nhật Bản nhé.
Người viết: Tomira
bình luận