Khi chọn cà chua hoặc táo trong siêu thị, nếu chỉ chọn bằng tay và mắt thường bạn sẽ khó mà biết được quả nào ngon hay không ngon cho đến lúc ăn nó. Nếu có một ứng dụng giúp bạn biết trước hương vị của rau quả và trái cây trước khi ăn thì sao?
Nhìn được vị ngon của rau quả
Một ngày thứ Bảy cuối tháng 6, trong khu vực bán cà chua tại một siêu thị ở Fukushima người ta thấy 1 tấm bạt lớn ghi dòng chữ “Trải nghiệm ứng dụng cho biết vị ngon của rau quả”. Người ta đã để sẵn ứng dụng trong máy tính bảng đặt ở đây, khách hàng chỉ cần đưa cà chua vào phần chụp ảnh là sẽ hiện ra biểu đồ với 5 vị chính “ngọt, mặn, chua, đắng, umami”, từ đó biết được độ ngon của cà chua.
Bí mật nằm ở “vị không thể nhìn thấy”
Nếu chỉ nhìn bạn sẽ thấy quả cà chua nào cũng giống nhau, vậy làm thế nào để đánh giá hương vị?
Công ty liên doanh Makuta-amenity tại Fukushima và Phó giáo sư Hiroyuki Noda khoa thực phẩm Đại học Yamagata đã cùng nhau phát triển nên ứng dụng này. Bằng cách phân tích các màu sắc không thể thấy được bằng mắt thường của rau củ mà ứng dụng sẽ cho ra đánh giá về độ ngon của từng sản phẩm.
Ví dụ về cà chua, thoạt nhìn bạn sẽ thấy nó có màu đỏ nhưng trên thực tế màu sắc của cà chua còn có màu xanh hoặc xanh lá cây. Dựa trên điều này, giáo sư Noda và các cộng sự đã sử dụng phần mềm đặc biệt về ảnh nhằm tách ba màu đỏ, xanh dương và xanh lá cây sau đó phân tích mật độ mỗi màu. Dữ liệu về màu sắc kết hợp với dữ liệu về 5 hương vị cơ bản tạo nên mối liên hệ giữa màu sắc và hương vị.
Hiện tại kho dữ liệu của hệ thống là 30000 case. Trên cơ sở này người ta sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích độ ngon của 16 loại rau quả như dưa chuột, nho, dâu tây, táo, măng tây, cải thảo, anh đào, cà chua, cà chua bi, cải bó xôi Nhật Bản, cải bó xôi, cải củ, súp lơ, bắp cải, xà lách, cà rốt.
Ứng dụng này còn được gọi là “Dù không ăn vẫn biết vị”. Dự kiến sẽ được sử dụng thực tế trong các doanh nghiệp và các nông trại sản xuất thực phẩm.
Chứng nhận hương vị
Takahashi Hikota (35 tuổi) là nông dân trồng anh đào (さくらんぼ) tại thành phố Sagae tỉnh Yamagata. Anh đào do Takahashi trồng là sản phẩm cao cấp nên việc quản lí chất lượng rất khắt khe. Trước khi đóng gói gửi cho khách hàng, chất lượng anh đào được kiểm duyệt kĩ lưỡng, tuy nhiên chỉ bằng mắt thường thì vẫn rất khó để phân biệt được quả ngon hay không ngon bởi có những quả tuy màu sắc rất đẹp nhưng vị thì lại chua…
Nông trại của anh Takahashi bán sản phẩm cao cấp như hộp anh đào 500g giá 10.000 yên (2 triệu đồng). Nếu chất lượng không đồng đều thì niềm tin của khách hàng dành cho sản phẩm sẽ ngày càng ít, chưa kể việc chạm vào anh đào sau khi thu hái bằng tay hay bất kì dụng cụ nào khác đều sẽ làm giảm chất lượng của sản phẩm.
Việc sử dụng ứng dụng có ưu điểm là đánh giá được lượng đường trong rau quả, qua đó khẳng định chất lượng với người tiêu dùng. Đây giống như một loại chứng nhận giúp thuyết phục chất lượng sản phẩm với khách hàng.
Mặt khác, ứng dụng sẽ giúp nông dân cũng như các siêu thị phân loại được chất lượng sản phẩm theo từng nhóm khách hàng như: người thích ngọt, người thích chua… Từ đó giá trị các sản phẩm cũng sẽ được nâng cao, làm thay đổi thói quen lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.
Hiện tại ứng dụng sẽ cho kết quả hơi khác nhau tuỳ theo ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo, do đó nhóm phát triển đang cố gắng nghiên cứu thêm để hướng đến sử dụng phiên bản dành cho điện thoại cho tất cả mọi người.
Nguồn: NHK