Ảnh hưởng của trận mưa lớn tại phía Tây Nhật Bản đã khiến cho tình trạng mất nước xảy ra trên diện rộng. Có những người gặp khó khăn vì sống xa trạm cấp nước và không có phương tiện di chuyển, có những người không mua được dụng cụ chứa nước… Bên cạnh đó vấn đề vệ sinh cũng trở nên đáng lo ngại.
235.000 hộ dân bị mất nước
Số hộ dân bị mất nước ở thành phố Kure tỉnh Hiroshima là 93.279, thành phố Onomichi là 58.647. Theo thống kê từ Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến giữa trưa ngày 12/7/2918 có khoảng 235.000 hộ dân đang bị mất nước.
Mặc dù chính quyền địa phương và lực lượng tự vệ đang thực hiện hỗ trợ cấp nước do thiệt hại hiện nay đang khá lớn nên việc phục hồi là rất khó bởi nước sông vẫn đang đục ngầu do lũ, các thiết bị cung cấp nước, đường ống bị hư hại. Trong lịch sử có những thời điểm phải mất hơn 1 tuần đến 10 ngày để khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Phương pháp vận chuyển nước từ nguồn cấp nước
Nếu không có dụng cụ chứa nước như can, bình… hãy mang theo hộp các tông và túi ni lông đựng rác chưa sử dụng để đựng nước.
- Dán kĩ đáy hộp bằng băng dính để hộp không bị hỏng do sức nặng của nước.
- Chuẩn bị 2 túi ni lông loại 45 lít, đặt trong hộp sao cho 2 túi không chồng lên nhau.
- Cho nước đầy 7 đến 8 phần của túi, buộc chặt miệng để nước không tràn ra ngoài.
- Ngay cả khi đã có sẵn xô bạn vẫn nên sử dụng túi để đựng nước và đóng chặt miệng túi để nước không bị bụi bẩn. Nếu có xe kéo hãy đem đi vì xách nước là việc khá vất vả đối với người già và trẻ nhỏ.
Tiết kiệm nước bằng chai nhựa
- Chuẩn bị chai nhựa rỗng và đinh ghim
- Tháo nắp chai, tạo lỗ trên nắp bằng đinh ghim
- Cho nước vào chai, khi sử dụng thì dốc chai xuống, bóp nhẹ vào thân để nước chảy ra
- Khi không bóp chai thì nước sẽ không chảy, do đó tiết kiệm được đáng kể lượng nước đang có
- Nếu muốn nhiều nước hơn thì dùng đinh ghim đục thêm lỗ trên nắp chai
Chế biến các món ăn không phải rửa
Đặt giấy bạc lên bát đĩa trước khi cho thức ăn lên, sau khi ăn xong chỉ cần vứt bỏ giấy bạc sẽ tiết kiệm được nước rửa chén bát.
Chăm sóc răng miệng
Cuộc sống tại các điểm cứu nạn sẽ khiến bạn không quen và dẫn đến căng thẳng mệt mỏi, từ đó làm cho sức đề kháng kém đi, dẫn đến hậu quả là bệnh nha chu và sâu răng có cơ hội phát triển. Đặc biệt người cao tuổi sẽ dễ bị viêm phổi do bụi bẩn trong miệng. Hiệp hội nha khoa Nhật Bản kêu gọi người dân cần làm sạch sẽ răng miệng càng nhiều càng tốt ngay cả khi ở nơi cứu nạn.
- Nếu có ít nước, hãy làm ướt bàn chải một chút rồi đánh răng, sau khi đánh xong dùng giấy ăn lau bàn chải. Súc miệng vài lần với lượng nước vừa đủ khoảng 2-3 lần. Nếu không thể đánh răng, hãy dùng trà hoặc nước để súc miệng. Nếu có nước súc miệng hoặc kem đánh răng dạng lỏng thì càng tốt. Ngoài ra có thể dùng khăn tay hoặc khăn giấy hơi ướt để lau miệng.
- Sống ở môi trường không quen thuộc sẽ khiến bạn bị căng thẳng và giảm lượng nước bọt tiết ra. Tuy nhiên vì nước bọt là thứ cần thiết để làm sạch khoang miệng nên hãy cố gắng tiết nước bọt. Ngoài việc cố gắng ăn uống đầy đủ, động tác cọ xát vào vùng dưới tai, cằm làm da ấm lên cũng kích thích việc tiết nước bọt.
- Nếu dùng răng giả, sau mỗi bữa ăn hoặc ít nhất 1 ngày 1 lần cần tháo răng ra và dùng bàn chải đánh răng hoặc dùng khăn lau sạch.
Phân chia nước ăn uống và nước sinh hoạt
Clo trong nước được cung cấp sẽ bay hơi sau 2-3 ngày, nếu thời tiết nóng thì khả năng cao là vi khuẩn sẽ phát triển trong nước. Do đó hãy dùng nước không được đậy kĩ cho mục đích rửa ráy, giặt đồ…
Sử dụng nước giếng
Tuỳ từng vùng khác nhau mà sẽ có nơi sẽ có giếng nước, tuy nhiên nước ăn uống có liên quan đến sức khoẻ nên nếu có nguồn nước bảo đảm thì chỉ nên dùng nước giếng để giặt giũ, tắm rửa…
Nhất định phải uống nước
Để duy trì mạng sống ai cũng cần phải uống nước nhất là trong thời tiết nắng nóng. Kể cả bạn ngủ cả ngày thì cơ thể bạn cũng bị mất một lượng nước đáng kể do bốc hơi nước. Việc thiếu nước có thể làm cơ thể dễ bị trúng nắng, đột quỵ, giảm tuần hoàn máu dẫn đến nhồi máu não…gây nguy hiểm cho tính mạng. Do đó trong mọi trường hợp hãy cố gắng cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể.
Điều quan trọng nhất trong tình hình hiện nay là mọi người phải chia sẻ thông tin và giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Nguồn: NHK