Cuộc sống luôn không thể biết trước được sẽ có điều gì sắp xảy đến, nhất là khi bạn đang sinh sống tại một quốc gia khác không phải quê hương của mình. Do đó, nếu đang sống tại Nhật Bản bạn cần biết liên lạc tới đâu khi gặp chuyện khẩn cấp, cùng ghi nhớ với LocoBee nhé!
Tội phạm – Tai nạn
<Khi có chuyện khẩn cấp hãy thông báo ngay bằng điện thoại>
Cảnh sát trên toàn nước Nhật luôn túc trực 24/24h để tiếp nhận thông báo từ người dân. Nếu có vấn đề về tội phạm, trộm cắp, tai nạn giao thông, hãy gọi đến 『110』
① Hãy giải thích đơn giản về tình trạng tai nạn giao thông hoặc tội phạm như trộm cắp. Nếu có người bị thương hãy nhờ cảnh sát gọi xe cấp cứu.
② Thông báo tên và địa chỉ của bạn khi gọi.
③ Nếu có xe cảnh sát hay xe cấp cứu đến hãy thông báo về địa chỉ, toà nhà xảy ra tai nạn/sự cố.
※ Nếu sử dụng điện thoại công cộng, bạn không cần nhét tiền vào mà chỉ cần nhấc máy lên, quay số “110” hoặc “119”. Nếu điện thoại công cộng có nút gọi khẩn cấp hãy bấm nút đó rồi quay số.
※ Nếu sử dụng điện thoại di động gọi đến “110”, “119”, hãy thông báo số điện thoại của bạn cho người nghe. Ngoài ra đừng tắt nguồn điện thoại sau khi gọi.
<Liên lạc với đồn cảnh sát>
Đồn cảnh sát thường được đặt ở góc phố và hoạt động 24/24h. Đồn cảnh sát thực hiện rất nhiều chức năng, không chỉ tuần tra trong thành phố, ngăn ngừa tội phạm như trộm cắp, bạo lực, xử lí vi phạm mà còn xử lí vi phạm giao thông và tai nạn, tiếp nhận giải quyết rơi đồ, mất đồ, hướng dẫn khi lạc đường… Nếu bạn có làm rơi đồ trên đường, hãy đến sở cảnh sát hoặc đồn cảnh sát để trình báo. Những món đồ bị rơi hoặc để quên sau một thời gian nhất định nếu không có ai đến nhận sẽ được gửi đến trung tâm thất lạc đồ sở cảnh sát.
Hoả hoạn – Cấp cứu
<Khi có chuyện khẩn cấp hãy thông báo ngay bằng điện thoại>
Sở cứu hoả trên toàn nước Nhật luôn túc trực 24/24h để tiếp nhận thông báo từ người dân. Nếu có hoả hoạn, cấp cứu, cứu trợ hãy gọi đến 『119』
① Giải thích đơn giản về tình trạng hoả hoạn, người bị thương, tình trạng bệnh tật của người cần cấp cứu
② Thông báo tên và địa chỉ của bản thân
③ Thông báo cho xe cứu hoả và xe cấp cứu biết địa chỉ, toà nhà xảy ra hoả hoạn, cấp cứu
※ Nếu sử dụng điện thoại công cộng, bạn không cần nhét tiền vào mà chỉ cần nhấc máy lên, quay số “110” hoặc “119”. Nếu điện thoại công cộng có nút gọi khẩn cấp hãy bấm nút đó rồi quay số.
※ Nếu sử dụng điện thoại di động gọi đến “110”, “119”, hãy thông báo số điện thoại của bạn cho người nghe. Ngoài ra đừng tắt nguồn điện thoại sau khi gọi.
<Khi gọi xe cấp cứu>
Khi xảy ra bệnh cấp tính và vết thương nặng mà không có biện pháp xử lí hiệu quả, hãy gọi ngay xe cấp cứu qua số 119. Xe cấp cứu hoạt động 24/24h, không mất phí vận chuyển nhưng phí trị liệu thì người bệnh hoặc người thân phải tự chi trả.
Chuẩn bị trước hộ chiếu, thẻ lưu trú, bảo hiểm sức khoẻ, tiền mặt trong khi chờ xe cứu thương đến, nếu nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu hãy giơ biển chỉ đường cho cấp cứu.
Xe cấp cứu chỉ được sử dụng cho trường hợp cần phải trị liệu cấp bách. Nếu chỉ bị vết thương nhỏ, hãy sử dụng ô tô hoặc taxi để đến bệnh viện gần nhất.
Trong các trường hợp trên đều có thể sử dụng tiếng Anh. Nếu việc giải thích bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật có khó khăn đối với bạn, hãy nhờ người Nhật ở gần bạn nhất giúp đỡ hoặc đưa điện thoại cho họ giải thích giúp. Trong trường hợp khẩn cấp thường tâm lí mọi người sẽ bị rối và không thể làm được như bình thường. Do đó hãy ghi nhớ 2 số điện thoại này để sử dụng nhé!
* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.