Ahoudori (hải âu lớn đuôi ngắn) là một loài chim biển có kích thước lớn, sải cánh của chúng có thể vượt quá 2m khi giang rộng.
Đây là loài chim nằm trong kho báu tự nhiên đặc biệt của Nhật Bản, chúng từng sống ở quần đảo Ogasawara và quần đảo Izu với số lượng lên tới hàng triệu con. Từ cuối thế kỉ 19, sự săn bắt quá mức với quy mô rộng lớn để lấy lông chim làm chăn bông đã làm số lượng loài tụt giảm nghiêm trọng. Năm 1936 đã có lệnh cấm không được săn bắt song đã quá muộn, Ahoudori bị ghi nhận là tuyệt chủng vào năm 1949.
Bức ảnh chụp năm 1905 tại đảo Chichijima của quần đảo Ogasawara là hình ảnh người đàn ông cầm 1 con Ahoudori trên tay, xung quanh ngập tràn xác chết của những con Ahoudori khác.
2 năm sau, một cách tình cờ người ta đã tìm thấy khoảng 10 con chim ở vách đá của đảo Torishima, cách Tokyo 600k về phía Nam. Thời điểm đó Torishima là một hòn đảo không người nhưng lại là nơi đặt các trạm khí tượng để quan sát tình hình bão, những cán bộ trạm khí tượng thỉnh thoảng leo lên các vách núi cao đã tìm ra hải âu lớn đuôi ngắn tại đó. Những người thu gom lông chim ở đảo Torishima trong thời kì trước đã đem theo mèo nhà đến đảo và số lượng mèo hoang trở nên nhiều hơn, gây lo ngại về việc tấn công chim non. Cán bộ khí tượng đã nỗ lực loại bỏ mèo tại đảo và bắt đầu trồng cỏ để ngăn ngừa mưa lớn rửa trôi đất làm ảnh hưởng đến tổ chim.
Nỗ lực của các cán bộ khí tượng tại Torishima đã phải chấm dứt do việc đóng cửa trạm khí tượng vào năm 1965 nhưng đã có những con người tiếp tục thực hiện công việc của họ. Giáo sư Hiroshi Hasegawa (Giáo sư danh dự đại học Toho) đến thăm Torishima lần đầu tiên vào năm 1976, khi nhìn thấy Ahoudori ông đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi chúng.
Mỗi năm ông dành hơn 2 tháng đến sống ở Torishima để giúp những chú chim non mới được sinh ra, cho chúng một nơi sinh sống mới trên đảo.
Ahoudori vốn dĩ sống rải rác khắp đảo song sau khi bị đánh bắt quá mức, chúng đã đến tìm đến những vách đá nơi không có con người để đẻ trứng, những cơn mưa lớn cuốn trôi tổ dẫn đến tỉ lệ tử vong của con non tăng cao. Vào mùa sinh sản, Ahoudori có tập tính biểu thị sự quan tâm mạnh mẽ đến những con khác nên người ta đã sử dụng thói quen này để tạo nên những con chim giả gọi là “dekoi” nhằm đưa chúng về vùng đồng bằng và chúng bắt đầu làm tổ gần dekoi đó.
Mô hình “dekoi”
Thành quả đầu tiên của phương pháp này được ghi nhận là vào 10 năm sau. Tỉ lệ con non chết giảm rõ rệt, rất nhiều con non đã xây dựng tổ mới ở đồng bằng. Hơn 40 năm sau khi tiếp tục công việc bảo vệ Ahoudori, ông Hasegawa đã thành công giúp tăng số lượng loài này lên khoảng 1000 con.
Năm 2002, vụ phun trào núi lửa ở Torishima lần đầu tiên sau 63 năm (từ năm 1939) làm dấy lên lo ngại về sự tuyệt chủng 1 lần nữa của Ahoudori. Vụ phun trào này tuy chỉ ở quy mô nhỏ nhưng nếu có một vụ phun trào quy mô lớn thì Ahoudori có thể sẽ tuyệt chủng. Một kế hoạch chưa từng có trên thế giới là đưa chim con rời khỏi cha mẹ bằng trực thăng đến Mukojima cách đó 350km đã được lập ra.
Kế hoạch được bắt đầu vào tháng 2/2008 với 10 con non được chuyển bằng trực thăng từ Torishima đến Mukojima. Những con non được 1 tháng tuổi chưa thể tự mình kiếm thức ăn được con người hỗ trợ bằng việc cho ăn cá mực và cá mòi. Việc nuôi nhân tạo Ahoudori gần như chưa từng có trên thế giới.
Năm đầu tiên có 10 con chim, năm thứ 2 có thêm 15 con nữa. Việc vận chuyển bằng trực thăng giữ chúng ở lại trên đảo mới cho đến khi chúng biết tự làm tổ cho mình. Ahoudori sau khi làm tổ xong sẽ lang thang trên biển vài năm rồi mới quay trở lại bắt đầu sinh sản. Những người nuôi dưỡng đã chờ đợi chúng rất lâu cho đến 3 năm sau đó (2011), lần đầu tiên có con quay lại Mukojima.
Năm 2012, lần đầu tiên trong vòng 80 năm tại quần đảo Ogasawara, 1 cặp chim bố mẹ đã đẻ trứng. Vậy là dự án đầu tiên trên thế giới sau 10 năm đã thu được thành quả. Năm nay đã ghi nhận thêm sự chào đời của 1 con non và là con non thứ 3 được sinh ra trên đảo Mukojima.
Hiện tại số cá thể của loài này đã tăng lên khoảng 4500 con, là minh chứng cho sự hồi sinh của một giống loài đã được tuyên bố là tuyệt chủng. Sự nỗ lực của Nhật Bản đã thu hút rất nhiều sự chú ý của mọi người trên khắp thế giới trong việc bảo vệ các loài bên bờ vực tuyệt chủng. Trải qua hơn 40 năm, câu chuyện về hoạt động bảo vệ loài hải âu lớn đuôi ngắn cùng suy nghĩ của các nhà nghiên cứu người Nhật Bản trong vấn đề này đã trở thành tấm gương cho các nhà nghiên cứu từ các nước khác học tập.
Nguồn: NHK