Thủ tục cần thiết để đưa chó mèo sang Nhật Bản

Thủ tục cần thiết để đưa chó mèo sang Nhật Bản là gì?

Cùng tìm hiểu ngay sau đây cùng LocoBee nhé!

 

Trách nhiệm của người nuôi

Nếu bạn đang nuôi chó, mèo ở Việt Nam (hoặc nước ngoài) và muốn đưa chúng đi cùng đến Nhật Bản thì phải thực hiện kiểm tra nhập khẩu về bệnh dại và Leptospirosis (bệnh xoắn khuẩn vàng da chỉ ở chó). Việc nhập khẩu đối với chó, mèo được thực hiện dựa trên Luật phòng chống bệnh dại và Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm cho vật nuôi (đối với chó).

Người nuôi (người mang theo chó, mèo) cần thực hiện các thủ tục theo quy định, đồng thời phải chịu toàn bộ trách nhiệm và chi phí phát sinh.

thủ tục đưa cho mèo sang Nhật

 

Thủ tục nhập khẩu

thủ tục đưa cho mèo sang Nhật

Thủ tục nhập khẩu chó, mèo vào Nhật Bản sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào quốc gia/vùng lãnh thổ nơi chó, mèo xuất phát. Ngoài 6 nước trong nhóm chỉ định (Iceland, Australia, New Zealand, Fiji Islands, Hawaii, Guam) tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ khác sẽ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục sau:

  • Kiểm dịch, điều trị tại nước xuất phát
  • Nộp giấy thông báo trước
  • Lấy giấy tờ cần thiết như giấy chứng nhận
  • Làm thủ tục vận chuyển
  • Nộp đơn yêu cầu kiểm dịch nhập khẩu sau khi tới Nhật Bản
  • Nộp giấy tờ và chi phí cần thiết nếu phải kiểm dịch tại Trạm kiểm dịch
  • Trả lại/Tiêu huỷ nếu không thể nhập khẩu
  • Các vấn đề khác mà Trạm kiểm dịch động vật yêu cầu thực hiện

Nếu chó, mèo đáp ứng đủ điều kiện thì thời gian lưu giữ sau khi đến Nhật Bản (thời gian làm kiểm dịch nhập khẩu) là trong 12 tiếng (nếu không có vấn đề gì thì thông thường chỉ mất vài tiếng). Nếu chó, mèo không đáp ứng đủ điều kiện sẽ phải thực hiện kiểm dịch lưu giữ tại Trạm kiểm dịch động vật (nhiều nhất 180 ngày). Tuỳ vào kết quả kiểm dịch mà có trường hợp sẽ không được chấp nhận nhập khẩu vào Nhật Bản.

 

Các bước làm thủ tục kiểm dịch nhập khẩu

thủ tục đưa cho mèo sang Nhật

(Tham khảo: https://www.maff.go.jp/aqs/animal/dog/attach/pdf/import-other-42.pdf)

1/ Gắn microchip (chip định danh cá thế)

Microchip cần được cấy dưới da chó, mèo trước khi tiêm mũi phòng dại đầu tiên (hoặc cùng ngày). Microchip cần theo chuẩn ISO 11784 và 11785 (gồm 15 chữ số). Người nuôi cần xác nhận việc đọc được mã microchip bằng thiết bị đọc.

 

2/ Tiêm phòng bệnh dại

Tiêm mũi 1 sau khi chó, mèo ra đời 91 ngày, có thể gắn microchip cùng vào ngày này. Tiêm mũi 2 sau mũi 1 tối thiểu 30 ngày và trong thời gian mà miễn dịch của mũi 1 còn hiệu quả. Nếu thời gian miễn dịch còn hiệu quả của mũi tiêm phòng dại gần nhất bị hết trước ngày chó, mèo đến Nhật Bản thì cần tiêm mũi nhắc lại trong thời gian còn miễn dịch. Nên sử dụng vacxin bất hoạt (inactivated / killed virus vaccine) hoặc vacxin tái tổ hợp (recombinant / modified vaccine).

 

3/ Xét nghiệm kháng thể bệnh dại

Thực hiện sau mũi tiêm phòng bệnh dại thứ 2 trở đi. Là loại xét nghiệm máu, yêu cầu đơn vị (lượng) kháng thể phải từ 0.5IU/ml trở lên. Thời gian còn hiệu lực của xét nghiệm là 2 năm tính từ ngày lấy máu. Xét nghiệm phải được thực hiện tại cơ sở kiểm tra do Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản chỉ định. Hiện tại Việt Nam không có cơ sở do Nhật Bản chỉ định nên người nuôi phải gửi máu (huyết thanh) đến quốc gia có cơ sở được chỉ định để xét nghiệm.

Xem danh sách tại: https://www.maff.go.jp/aqs/animal/dog/lab.html

 

4/ Chờ trước khi xuất cảnh (trên 180 ngày)

Chó, mèo sau khi chờ đủ 180 ngày (hoặc hơn) từ ngày lấy máu xét nghiệm kháng thể bệnh dại phải đến Nhật Bản trong thời gian mà xét nghiệm kháng thể bệnh dại còn hiệu lực và trong thời gian còn hiệu quả miễn dịch của mũi tiêm phòng bệnh dại (Ngày lấy máu để xét nghiệm kháng thể bệnh dại tính là ngày thứ 0). Nếu chưa chờ đủ 180 ngày (hoặc hơn) mà đã đến Nhật Bản thì chó, mèo phải thực hiện kiểm dịch lưu giữ tại trạm kiểm dịch động vật trong thời gian còn thiếu. Nếu thời gian còn hiệu quả miễn dịch của mũi tiêm phòng bệnh dại hết trước ngày đến Nhật Bản thì nhất định phải tiêm thêm mũi phòng bệnh dại trong thời gian còn hiệu quả miễn dịch.

 

5/ Nộp giấy thông báo trước

Người nuôi cần nộp giấy thông báo trước cho trạm kiểm dịch động vật có thẩm quyền ở sân bay/cảng dự định nhập cảnh sớm nhất là 40 ngày trước ngày dự định đến Nhật Bản). Giấy này cần gửi bưu điện, FAX hoặc qua thư điện tử hoặc dùng hệ thống khai báo điện tử NACCS: https://webaps.nac6.naccs.jp/dfw/nss/apsapp/UCCU01/CCU01W01E_Init01.do

Dành cho chó(PDF:330KB)(EXCEL : 55KB)

Dành cho mèo(PDF:234KB)(EXCEL : 55KB)

Mẫu cách viết: Chó(PDF:272KB)、Mèo(PDF:277KB

Địa chỉ gửi giấy: 到着予定の空海港を管轄する動物検疫所 (PDF : 209KB)

 

6/ Kiểm dịch trước khi xuất cảnh

Trong vòng 10 ngày trước khi xuất cảnh chó, mèo cần thực hiện kiểm dịch trước khi xuất cảnh (kiểm tra lâm sàng) bởi bác sĩ thú y tư nhân hoặc bác sĩ thú y thuộc cơ quan chính phủ nước sở tại. Nội dung kiểm tra là không bị hoặc nghi ngờ mắc bệnh dại và bệnh Leptospirosis.

 

7/ Lấy giấy chứng nhận của quốc gia nơi xuất cảnh

Giấy chứng nhận do cơ quan chính phủ của nước xuất cảnh cấp (cơ quan này tương đương với trạm kiểm dịch động vật tại Nhật Bản). Các mục cần có trong giấy chứng nhận:

Thông tin cơ bản của chó, mèo (bao gồm ngày sinh hoặc tuổi)

Mã microchip, ngày cấy microchip

Ngày tiêm phòng dại, thời gian miễn dịch còn hiệu lực, loại vacxin phòng bệnh, tên sản phẩm, tên nhà sản xuất

Ngày lấy mẫu máu, kết quả kháng thể, tên cơ sở xét nghiệm

Kết quả kiểm tra trước khi xuất cảnh (mục 6), ngày kiểm tra

Form mẫu: PDF(PDF : 75KB)

 

8/ Kiểm dịch nhập khẩu sau khi tới Nhật Bản

Sau khi đến Nhật Bản, chó, mèo phải trải qua quá trình kiểm tra nhập khẩu tại Trạm kiểm dịch động vật. Người nuôi cần đăng ký kiểm tra nhập khẩu tại Trạm kiểm dịch động vật. Nếu việc kiểm tra nhập khẩu không có vấn đề gì thì sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu và việc nhập khẩu sẽ được chấp thuận. Nếu chó, mèo không đáp ứng đủ các điều kiện nhập khẩu của Nhật Bản thì sẽ bị kiểm tra lưu giữ hoặc trả lại/tiêu huỷ trong thời gian tối đa là 180 ngày.

Các giấy tờ cần thiết:

  • Giấy chứng nhận do cơ quan chính phủ của nước xuất khẩu cấp (bản gốc) ở mục 7
  • Thông báo kết quả xét nghiệm kháng thể bệnh dại ở mục 3
  • Bản sao vận đơn vận chuyển (Air Way Bill (máy bay) hoặc Bill of Lading (đường thuỷ))
  • Đơn đăng ký kiểm tra nhập khẩu chó: (PDF:103KB)(EXCEL : 46KB)
  • Đơn kiểm tra nhập khẩu mèo: (PDF:103KB)(EXCEL : 46KB)
  • Các giấy tờ khác theo yêu cầu của Trạm kiểm dịch động vật
  • Thông tin trên trang chủ của Cơ quan Kiểm dịch động vật Nhật Bản được cập nhật ngày 20 tháng 1 năm 2012.

Tham khảo: https://www.maff.go.jp/aqs/animal/index.html

thú cưng

Chúc bạn làm thủ tục một cách thuận lợi nhất nhé!

 

Chi phí nuôi chó mèo ở Nhật

Thủ tục và vắc xin cần thiết để nuôi chó ở Nhật Bản

Huyền Trang (LOCOBEE)

bình luận

KIM VAN VO THI
27/12/2022
Phản hồi 1

Bạn ơi cho mình hỏi đối với mèo không phải là mèo con thì việc gắn microchip có gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của bé không ạ?

Thanh Nga
13/01/2023

Chào bạn, theo mình biết thì việc gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới sức khoẻ chó mèo. Tuy nhiên còn phải xem tình hình sức khoẻ của chó mèo nên bạn hãy hỏi ý kiến từ bác sĩ thú ý nhé

ページトップに戻る