Con đường khởi nghiệp của hai chàng trai Việt Nam đam mê ẩm thực Nhật Bản

Trên con đường Dokanyama, quận Bunkyo, có một quán ăn phục vụ những món ăn gia đình mang tên là Sakura. Ý tưởng sáng tạo này có thể giúp quán ăn “hút” khách, nhưng còn một điều đặc biệt không kém khiến người dân sống quanh đây phải tìm đến nó. Điều đặc biệt ấy chính là tâm huyết của hai đầu bếp người Việt khi làm ra những món ăn thuần chất Nhật Bản.

 

Hạnh phúc khi được công nhận

Cứ vào khoảng 9 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Dũng (30 tuổi), chủ quán ăn Sakura, chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất rồi viết thực đơn của ngày mới lên 1 chiếc bảng, treo nó trước cửa.

Anh Dũng chia sẻ các vị khách quen đến đây mỗi ngày, đông nhất là vào buổi trưa vì ngoài người dân còn có nhân viên văn phòng làm việc gần quán cũng ghé qua để dùng bữa. Không khí nhộn nhịp ở Sakura vào mỗi buổi trưa là minh chứng cho thấy sức hút đặc biệt của từng món ăn.

Trong thời gian này, lượng khách của quán giảm nhẹ do ảnh hưởng của đại dịch Covid nhưng không đáng kể. Sau tất cả, niềm vui của anh Dũng là được nhìn thấy khách hàng hài lòng với món ăn của quán mình.

 

Tự hào với thương hiệu cá nhân

Một trong những người kề vai sát cánh, đồng hành cùng anh Dũng trên con đường khởi nghiệp đầy thử thách này phải kể đến anh Đăng (31 tuổi). Anh Đăng là một trong những du học sinh được anh Dũng giúp đỡ, giới thiệu việc làm, về sau trở thành cộng sự của anh Dũng. Vào thời điểm mới khởi nghiệp, cả hai phải nỗ lực rất nhiều mới có thể xóa bỏ sự hoài nghi của người bản xứ.

Nhiều người Nhật cảm thấy không thoải mái vì người nước ngoài phục vụ các món Nhật, họ rời khỏi quán ngay khi thấy anh Dũng. Nhưng may mắn là cũng có không ít người được thuyết phục để ăn thử. Cứ như thế, khách đến quán ngày càng nhiều, dần dần họ trở thành “khách ruột” của Sakura. Vạn sự khởi đầu nan nhưng anh Dũng và anh Đăng đã vượt qua được.

Nhưng một lần nữa, khó khăn lại đến với cả hai. Hiện nay, những tin tức xấu về người Việt Nam ở Nhật liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khiến anh Dũng rất lo lắng, liệu nó có ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của mình? Thật ra, thái độ của các vị khách Nhật không như những gì anh nghĩ. Thỉnh thoảng anh vẫn nhận được nhiều lời động viên như là “Tôi biết bạn khác với những người đó (những người thực hiện hành vi xấu), bạn sẽ không hành động như họ”.

Vậy là, sự cố gắng không ngừng nghỉ của hai anh qua bao ngày tháng dấn thân khởi nghiệp đã được đền đáp xứng đáng. Tình cảm của những vị khách Nhật Bản dành cho Dũng, Đăng và quán ăn Sakura là điều mà hai anh luôn trân quý.

 

Hành trình khởi nghiệp

Thành công của quán ăn Sakura do anh Dũng và anh Đăng làm chủ đã thu hút sự chú ý của nhiều người Việt đang sinh sống tại Nhật cũng như thế hệ trẻ sắp sửa đến Nhật để tìm cơ hội phát triển sự nghiệp. Trong số đó, có không ít người tò mò về câu chuyện đằng sau thành công ấy.

 

Ý chí kiên cường nơi đất khách

Hai năm đầu ở Nhật, anh Dũng học tại một trường tiếng ở tỉnh Saga. Đến năm thứ ba (2012), anh lên Tokyo để học đại học. Khi ấy, anh quyết tâm tìm một công việc bán thời gian. Ba anh nói sẽ gửi tiền cho anh nếu có khó khăn nhưng anh vẫn cố gắng kiếm tiền trong khả năng của mình để trang trải cuộc sống.

Thật ra, anh đã từng làm việc bán thời gian tại các cửa hàng bán mì udon và hamburger khi còn ở Saga. Đến khi lên Tokyo, anh cũng chỉ nghĩ là mình sẽ làm việc tại một nơi kinh doanh đồ ăn, thức uống nào đó, nhưng nơi ấy lại đem đến nhiều bất ngờ cho anh. Món cá cam củ cải kho tương ở đây thật sự rất ngon!

Những món ăn khác như cá tuyết hấp tương hay sasimi theo mùa đều có hương vị tuyệt hảo. Một lần nữa, thế giới ẩm thực Nhật Bản mê hoặc tâm trí anh. Và rồi sự tử tế của các nhân viên khi cúi đầu chào khách và bầu không khí nhộn nhịp của nơi này đã cuốn hút anh. Cũng từ đây, anh gặp người thầy của mình.

 

Người thầy dạy nghề tận tâm

Người chủ của quán ăn và cũng là người thầy dạy anh về nghề bếp chỉ dạy anh rất kỹ lưỡng, từ việc vệ sinh bồn rửa, chọn rau, cá, đến việc nướng cá hay làm các món chiên, xào, hầm. Người thầy của anh còn là người rất công bằng. Ở đó, mức lương của người nước ngoài và người Nhật là như nhau.

Các nhân viên khác cũng rất cởi mở với anh. Sau khi làm việc xong, mọi người mời anh Dũng cùng đi chơi bowling. Tấm ảnh mọi người chụp chung với nhau được anh Dũng cài làm hình nền điện thoại. Vào ngày hôm sau, khi anh Dũng hào hứng khoe với ông về bức hình đó, ông nhận ra anh thực sự là người hòa đồng.

Có lẽ vì vậy mà gia đình ông đã rất nhiệt tình trong việc giúp đỡ anh khởi nghiệp. Người thầy đã giúp Dũng và Đăng tìm luật sư tư vấn xây dựng doanh nghiệp, còn vợ của thầy cũng đến phụ hai anh khai trương quán ăn. Nhờ vậy, ngày kinh doanh đầu tiên diễn ra vô cùng suôn sẻ dù đang trong thời điểm bùng phát đại dịch.

 

Hoài bão và tâm huyết

Ban đầu anh Đăng được anh Dũng giới thiệu vào làm việc trong quán ăn của người thầy. Nhưng không lâu sau đó, chí cầu tiến và tham vọng muốn làm chủ đã thôi thúc hai anh khởi nghiệp. Sau chừng ấy thời gian quan sát, học hỏi, Dũng và Đăng quyết định mở một quán ăn bằng số tiền tiết kiệm và hỗ trợ từ gia đình. Số tiền vốn cần có là 5 triệu yên (trên 1 tỷ đồng).

Nói về ý tưởng khởi nghiệp, Dũng và Đăng nhận thấy có nhiều cụ ông, cụ bà quanh khu phố đang sống một mình, vì vậy hai anh quyết định mở một quán cơm nhà nhằm đem đến không khí ấm cúng cho từng thực khách, đặc biệt là những vị khách kể trên. Hơn nữa, không nhiều người kinh doanh ở gần đó có ý tưởng này nên Dũng và Đăng sẽ không cảm thấy áp lực trong việc cạnh tranh.

Từ ý tưởng kinh doanh đến tên quán ăn đều là sản phẩm của những tâm hồn tinh tế. Thật vậy, nếu các món ăn theo phong cách gia đình mang lại sự gần gũi, thì cái tên Sakura (Hoa anh đào) luôn gợi cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát. Chẳng cần ý tưởng táo bạo hay quảng cáo rầm rộ, hai điều giản đơn ấy đủ sức đem đến thành công cho Sakura.

Còn một điều cũng không kém phần quan trọng, đó là khâu lựa chọn nguyên liệu. Để có thể mua được thực phẩm tươi ngon, anh Dũng phải đi chợ từ rất sớm, thậm chí anh còn ghi chép cẩn thận từng loại vào sổ tay. Có lẽ anh Dũng đã dành trọn tình yêu cho công việc này, nên không khí se lạnh vào buổi sớm chẳng thể ngăn nụ cười ấm áp trên môi anh. Đúng như anh Đăng từng nói “nguyên liệu tươi ngon không làm nên món ăn ngon, mà phải có tình yêu”.

Nếu có dịp hãy tới đây ủng hộ quán nhé!

Tên quán: 千駄木さくら食堂

Địa chỉ: 〒113-0022 東京都文京区千駄木3丁目50−15 三幸ビル 1F

Trải nghiệm sự kiện tháng 12 của Tokyo Founders – cộng đồng khởi nghiệp dành cho người nước ngoài tại Nhật

10 món ăn trong ẩm thực Nhật Bản mà người Việt ít biết tới

 

Theo Yahoo

Ảnh Yahoo

bình luận

Tự Di
31/08/2022
Phản hồi 1

Ngưỡng mộ 2 anh

Thanh Nga
01/09/2022

Người Việt tại Nhật mở nhà hàng ẩm thực Việt Nam thì nhiều chứ ít người theo đuổi ẩm thực Nhật Bản như hai anh này lắm luôn!

ページトップに戻る