Cách gọi nước súp và đồ ăn kèm tại quán ramen

Ramen là món ăn phổ biến có thể coi là quốc thực của Nhật Bản. Có rất nhiều cửa hàng cũng như loại ramen địa phương trải dài khắp đất nước. Yếu tố cơ bản không thể thiếu của ramen là sợi mì và nước súp. Không chỉ có các loại mì như sợi to, sợi nhỏ mà các loại nước súp như xương heo, hải sản và đồ ăn kèm (topping) cũng vô cùng đa dạng.

Lần này, LocoBee sẽ giới thiệu các thuật ngữ chuyên môn để gọi nước súp và topping tại các quán ramen.

 

4 loại súp chính

Nước súp là phần không thể thiếu của ramen, có 4 loại chính là:

  • Shoyu – nước tương
  • Shio – muối
  • Miso
  • Tonkotsu – xương lợn

Các thành phần được sử dụng trong nước súp sẽ khác nhau tùy thuộc vào mỗi quán. Thành phần của nước súp chính là nền tảng của ramen nên mỗi quán sẽ có đặc thù riêng. Một số quán còn đã áp dụng hệ thống “W soup”. Đây là sự kết hợp của nước súp từ xương động vật như heo và gà và nước súp từ hải sản như tảo bẹ và cá ngừ. Cách làm cơ bản là nấu riêng từng vị súp trong nồi riêng rồi trộn chúng với nhau ngay trước khi sử dụng. Đây là phương pháp tốn nhiều thời gian nhưng lại tận dụng tốt nhất hương vị của nước súp từ động vật và hải sản, từ đó làm nên hương vị đặc biệt cho từng quán ramen.

Tìm hiểu về các loại mì Ramen

 

Tùy chỉnh ramen bằng topping

Mì và nước súp là thành phần chính của ramen nhưng cách ăn tiêu chuẩn chính là gọi thêm topping (đồ ăn kem) yêu thích. Dưới đây là một số tên gọi cơ bản của topping mà bạn thường thấy ở các quán ramen. Vì mỗi loại được làm với công thức riêng cho từng quán nên đặc trưng của quán được thể hiện rất rõ trong topping.

# チャーシュー (thịt xá xíu) 

Chashu hay thịt xá xíu còn được gọi là thịt lợn quay (焼豚 – yakibuta). Nhiều quán ramen lại sử dụng thịt lợn luộc thay vì thịt lợn quay. Thịt lợn được buộc bằng dây diều rồi quay trong lò nướng hoặc chảo, sau đó đun nhừ với nước tương. Có quán ramen lại chế biến từ thịt gà hoặc nướng để tạo ra hương vị khác nhau.

Đây là loại topping phổ biến cho những người thích ăn thịt.

 

# メンマ (măng) 

Menma được tạo ra bằng cách muối chua măng và còn được gọi là shinachiku. Gia vị và kích cỡ của menma sẽ khác nhau tùy theo từng quán. Khi ăn món này sẽ cảm nhận được vị sần sật giòn giòn chua chua.

 

#たまご (trứng) 

Trứng trong ramen là trứng luộc ngâm gia vị. Gần đây loại trứng luộc còn lòng đào khá được ưa chuộng. Trứng phù hợp với bất kỳ hương vị nào của súp, vì vậy nó là topping tiêu chuẩn của bát ramen. Nếu bạn gọi cơm, hãy cho trứng lên trên cơm và dùng đũa chia đôi, màu vàng ruộm của nó sẽ khiến bạn không cưỡng lại được.

 

# のり (rong biển) 

Nori hay rong biển cũng là topping phổ biến trong 1 bát ramen. Đây cũng chính là lá rong biển thường bọc ngoài nắm cơm. Rong biển là thành phần không thể thiếu của món ramen địa phương “Iekei Ramen” ở Yokohama.

Rong biển ăn bình thường đã ngon nhưng khi ngâm trong nước súp và ăn kèm với cơm trắng thì còn tuyệt vời hơn. Hãy thử cách ăn này nhé!

Onigiri – món ăn quốc hồn Nhật Bản với đa dạng loại nhân

 

Tổng kết

Bài viết đã giới thiệu từ vựng về nước súp và topping hay được sử dụng tại các quán ramen.Các quán ramen có nhiều thuật ngữ khác nhau về nước súp, độ cứng của sợi mì, lượng mì và topping. Hiểu cách sử dụng các từ này là bạn có thể gọi cho mình 1 bát mì ramen chính hiệu.

Thế giới sushi: 7 “thuật ngữ” độc đáo ít người biết

Các thuật ngữ chuyên môn về “độ cứng của sợi mì và lượng mì” hay dùng tại quán ramen Nhật Bản

 

W.DRAGON (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る