Thần đạo Shinto và dấu vết trong nền văn hóa Nhật Bản

Người Nhật vẫn được cho là những người vô thần, không theo đạo giáo. Tuy nhiên họ lại tổ chức đám cưới ở nhà thờ, cuối năm ăn mừng lễ Giáng sinh, đầu năm mới đi làm lễ ở đền chùa, rồi đến lễ Obon đi thăm viếng phần mộ người thân, đến khi làm đám tang lên chùa, đọc kinh và làm lễ cầu siêu. Vậy đâu mới là quốc giáo của người Nhật? Người Nhật tin vào tôn giáo nào?

Trong Hiến pháp Nhật Bản có đề cập đến “Quyền tự do tín ngưỡng”, đây là quyền cho phép người dân có thể tự do theo bất kì đạo giáo nào hoặc không theo bất cứ một đạo giáo nào cả. Trong kì này, hãy cùng LocoBee tìm hiểu về sự hiện hữu của Thần đạo Shinto trong văn hóa và phong tục của người Nhật.

2 đặc trưng chính của Hiến pháp Nhật Bản

 

Người Nhật tin vào điều gì?

Người Nhật làm đám tang tại chùa nên họ theo đạo Phật? Hay là họ đi lễ đầu năm ở đền nên họ theo đạo Thần? Họ làm đám cưới trong nhà thờ, vậy thì họ phải theo đạo Thiên Chúa?

Có rất nhiều người Nhật không thực sự tin sâu một đạo giáo nào cả nên có thể nói phần lớn người Nhật là những người “không có tôn giáo”. Tuy họ không có niềm tin sâu sắc vào một đạo giáo nào cả nhưng họ vẫn đi thăm mộ vào lễ Obon, đi chùa, đi đền và nhà thờ. Những việc này không thuộc về tín ngưỡng mà nằm trong văn hóa và phong tục tập quán đã ăn sâu vào đời sống của người Nhật.

 

Thần đạo là gì?

Thần đạo trong tiếng Nhật đọc là Shinto (神道), là tôn giáo ra đời từ niềm tin của người Nhật xa xưa. Do đó, việc xác định nguồn gốc và thời điểm ra đời vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thần đạo đã trở thành một tín ngưỡng thấm nhuần vào trong cuộc sống và các quan niệm đạo đức của người dân Nhật Bản.

Tổ tiên người Nhật từ xưa đã sống trong quan hệ gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên do họ lao động và kiếm ăn chủ yếu nhờ nghề làm nông và đánh bắt hải sản. Do đó, họ cũng để ý đến tự nhiên hơn. Theo họ, tự nhiên có thể cho mưa thuận gió hòa nhưng cũng có thể nổi giông bão, phá hoại mùa màng. Những điều này đã được con người cho là sự hiện diện của các vị thần. Các hiện tượng thiên nhiên mà lúc bấy giờ con người chưa lí giải được đều quy về thành hành động, cảm xúc của các vị thần. Những nơi tự nhiên như núi, sông, hồ,… đều được coi thành nơi cư ngụ của các vị thần.

Tuy là một tín ngưỡng lâu đời nhưng Thần đạo cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều tôn giáo khác như Phật giáo và Nho giáo. Trong đó, Thần đạo không phủ nhận sự tồn tại của các tôn giáo khác, đặc biệt như Phật giáo. Thần đạo vẫn thờ Phật và coi Phật là một thần.

 

Tám triệu vị thần trong Thần đạo

Để giải thích Thần đạo một cách đơn giản và đầy đủ nhất, người ta thường dùng khái niệm “tám triệu vị thần”, trong tiếng Nhật là “yaoyorozu no kami” (八百万の神). Vạn vật đều là thần và là sự hiện diện của thần như Thần biển, Thần núi, Thần gió hay Thần lương thực, Thần đời sống, Thần canh tác,… Từ đó tạo nên “Tám triệu vị thần” cũng có thể hiểu là có vô vàn thần linh.

Tư tưởng chính của Thần đạo là thần ngự mình ở mọi nơi, hay còn gọi là “vật linh”. Vậy nên ngoài Thần núi, Thần lửa, Thần cây thì ngay cả những đồ vật trong gia đình như bếp, nhà vệ sinh, nhà bếp,… cũng có thần cai quản và cư ngụ.

 

Sự khác biệt giữa Thần đạo và các tôn giáo khác

Điểm khác biệt nằm ở tư tưởng “tám triệu vị thần”. Trong khi các tôn giáo khác thường tôn thờ một vị thần tối cao thì trong Thần đạo, người Nhật tôn sùng “tám triệu vị thần”.

Tsukiji Hongan – ngôi chùa tráng lệ giao thoa giữa Nhật Bản và phương Tây

 

Những lễ hội xuất phát từ Thần đạo

Các lễ hội có thể coi là hình dáng hiện hữu của tín ngưỡng Thần đạo. Có nhiều lễ hội được tổ chức chủ yếu liên quan tới nghề làm nông. Ví dụ như lễ cầu mùa màng bội thu vào mùa xuân, lễ cầu mưa thuận gió hòa vào mùa hè, lễ tạ ơn thần linh đã phù hộ mùa màng vào mùa thu. Vào ngày lễ, ngoài việc làm lễ tế ở điện thờ thần, người ta còn tổ chức rước kiệu và thuyền với rất nhiều người dân tham gia.

Top 10 đền chùa mà nhiều người Nhật lựa chọn để đi lễ đầu năm

 

Thần đạo ăn sâu vào đời sống của người dân Nhật Bản

Thần đạo từng bước thâm nhập vào đời sống của người Nhật. Ví dụ như các lễ hội nổi tiếng như lễ cầu an đầu năm Hatsumode (初詣) hay trừ tà Yakuyoke (厄除), hay lễ đầu năm Hatsu miyamairi (初宮参り) hoặc lễ mừng tuổi 3-5-7 Shichigosan (七五三) để cầu sức khỏe, bình an cho các em bé. Tuy nhiên, người dân Nhật phần lớn đều không thực sự hiểu rõ về Thần đạo vì tín ngưỡng này đã dần dần hòa vào làm một với cách sống, phong tục, tập quán của họ rồi.

21 điều thú vị về văn hoá ngày Tết Nhật Bản

 

Kết

Qua bài viết này, bạn đã hiểu thêm phần nào về Thần đạo chưa?

Ở Nhật Bản, người ta tin rằng các yếu tố tự nhiên đều là các vị thần và điều này xuất phát từ Thần đạo. Người Nhật không phải là những người vô thần không hề tin vào sự tồn tại của thần thánh. Nhiều người tin vào thần linh nhưng họ không tự xếp mình vào một tín ngưỡng nào cụ thể cả.

Đến đền thờ Thần đạo ở Kamakura để rửa tiền và làm giàu

 

Kazuharu (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る