Hài Nhật Bản – văn hoá độc đáo mang tên Owarai (kì 2)

Bạn đã từng xem Owarai – hài kịch của Nhật chưa?

Các chương trình hài kịch là một phần giải trí không thể thiếu ở bất cứ quốc gia nào. Khi hiểu thêm về các trò đùa, câu chuyện cười của mỗi quốc gia, bạn cũng sẽ hiểu rõ hơn về ngôn ngữ và văn hóa của nơi đó. Do vậy, hãy cùng LocoBee tìm hiểu về Owarai của Nhật nhé.

Trong kì này, hãy theo chân LocoBee ngược dòng thời gian tìm hiểu về lịch sử của Owarai.

Hài Nhật Bản – văn hoá độc đáo mang tên Owarai (kì 1)

 

Lịch sử của Owarai trong văn hóa Nhật

Câu chuyện hài lâu đời nhất của Nhật Bản được cho là chuyện Iwatogakure (岩戸隠れ) được ghi lại trong sách Cố sự kí (古事記/Kojiki). Ngoài ra cũng có nhiều ghi chép cho rằng đã từng có phiên bản hài của sự tích người chặt tre (竹取物語/Taketori monogatari) và sự tích Konjaku (今昔物語/Konjaku monogatari). Kể cả trong những môn nghệ thuật sân khấu, biểu diễn truyền thống của Nhật Bản như kịch Noh, kịch Kyogen, kịch Kabuki, múa rối Ningyojoruri cũng có rất nhiều chuyện hài.

Vào thời Edo, nghệ thuật kể chuyện một người – Rakugo trở thành trào lưu văn hóa phổ biển và từ đó có rất nhiều nhà hát chuyên dùng để biểu diễn Rakugo được gọi là Yose ra đời ở Edo, Kyoto và Osaka, cùng với đó là rất nhiều nghệ nhân Rakugo xuất hiện.

Một loại hình văn hóa đại chúng khác với Rakugo cũng ra đời, đó là Manzai. Từ đó, các nhà hát Yose không chỉ dùng để biểu diễn Rakugo mà còn trở thành nơi để mọi người thưởng thức những câu chuyện hài hước trong Manzai.

Đây chính là cội nguồn của hài kịch Owarai Nhật Bản ngày nay. Kéo theo cùng với sự phát triển nhanh chóng của các chương trình truyền thanh và truyền hình, càng ngày càng có nhiều nghệ sĩ hài và người biểu diễn vào nghề xuất hiện trên ti vi dẫn đến giai đoạn bùng nổ về hài kịch như chúng ta đang thấy hiện giờ.

 

Lịch sử bùng nổ hài kịch

Tại Nhật Bản, có rất nhiều nghệ sĩ hài trẻ tuổi xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện đại chúng như truyền hình, từ đó tạo thành làn sóng bùng nổ về hài kịch. Cho tới nay, đã có rất nhiều lần bùng nổ hài kịch từng diễn ra, do đó để chỉ rõ về lần bùng nổ nào thì người Nhật sẽ nói “Bùng nổ hài kịch lần thứ n”.

Giai đoạn hiện nay cho ra đời những người ở Thế hệ hài kịch thứ 7. Tùy vào thời điểm nổi tiếng mà các nghệ sĩ hài sẽ được phân loại thành thế hệ, được gọi là “Thế hệ hài kịch thứ nhất, thứ hai…” chẳng hạn.

Sau đây sẽ là phần giải thích đơn giản về từng thế hệ của các đợt bùng nổ hài kịch.

Thế hệ hài kịch thứ nhất【Bùng nổ giải trí】

Đây là làn sóng giải trí bùng nổ vào những năm 1960, cũng là thời điểm mà quảng cáo trên sóng truyền hình trở nên phổ biến và lan rộng. Những nghệ sĩ giải trí Asakusa và nghệ nhân Rakugo xuất hiện trên sóng truyền hình như những ngôi sao.

Thế hệ hài kịch thứ hai【Bùng nổ Manzai】

Làn sóng ưa chuộng Manzai trở nên mạnh mẽ từ đầu những năm 1980, tiếp sau đó là đến thời kì huy hoàng của bộ tam trụ làng hài Nhật Bản khi đó được gọi là Big 3 gồm Beat Takeshi.Akashiya, Sanma và Tamori xuất hiện nhiều trên các chương trình giải trí.

Thế hệ hài kịch thứ ba【Bùng nổ chương trình buổi đêm】

Cuối những năm 1980 cho đến giữa thập niên 1990 là thời điểm ra đời của các đôi hài nổi tiếng như Tunnels (とんねるず), Downtown (ダウンタウン) và Ucchan Nanchan (ウッチャンナンチャン) mà danh tiếng của họ vẫn còn đến tận bây giờ. Từ các chương trình buổi đêm, có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng đã ra đời.

Thế hệ hài kịch thứ tư【Bùng nổ chương trình truyền hình thực tế】

Nửa cuối thập niên 1990 là thời điểm có rất nhiều chương trình truyền hình thực tế bắt đầu xuất hiện. Trong thời gian này, các chương trình này cũng pha trộn nhiều tiết mục hài, tình tiết gây cười và trở thành trung tâm của làn sóng hài kịch Nhật Bản lúc bấy giờ.

Thế hệ hài kịch thứ năm【Bùng nổ hài kịch thập niên 2000】

Vào năm 2001, cuộc thi Manzai mang tên “M1 Grand Prix” (M-1グランプリ) đã được tổ chức, sau đó vào năm 2002, cuộc thi “R1 Grand Prix” (R-1ぐらんぷり) dành cho nghệ sĩ đơn cũng được tổ chức. Đến năm 2008, cuộc thi “King of Conte” (キングオブコント) đã ra đời. Từ các cuộc thi hàng năm này đã có rất nhiều nghệ sĩ hài được biết đến.

Thế hệ hài kịch thứ sáu【Bùng nổ Hinadan geinin】

Vào thời hoàng kim của các chương trình trò chuyện cuối những năm 2000, bên cạnh sân khấu chính sẽ có một khu vực hình bậc thang được gọi là Hinadan dành cho các nghệ sĩ ngồi. Các nghệ sĩ này được gọi là Hinadan geinin sẽ ngồi đó theo dõi chương trình, cười theo, không làm phiền hay chen ngang, khuyến khích người chủ sự lèo lái chương trình một cách mượt mà. Đây chính là thời kì lên ngôi của Hinadan geinin. Ngoài ra, vào thời điểm này, vai trò của các nghệ sĩ hài cũng dần trở nên đa dạng hơn. Có nhiều nghệ sĩ hài còn xuất hiện với vai trò người dẫn chương trình, bình luận viên hoặc thậm chí xuất bản sách.

Thế hệ hài kịch thứ bảy【Bùng nổ của thế hệ trẻ】

Seiya, thành viên của cặp đôi hài kịch Shimofuri Myojo (霜降り明星) – người dành chiến thắng trong giải M1 Grand Prix năm 2018 đã xác định chính anh ấy cùng với những nghệ sĩ hài cùng trang lứa là Thế hệ hài kịch thứ bảy, cùng nhau hướng tới thành công trong tương lai.

 

Hài kịch và kinh tế

Trên đây là lược sử hình thành và phát triển của hài kịch Nhật Bản. Các làn sóng bùng nổ hài kịch thường diễn ra khi nền kinh tế đi xuống. Từ những câu chuyện Rakugo đầu tiên cho tới ngày nay, mỗi khi đất nước Nhật Bản gặp khó khăn, hài kịch lại vươn lên để mang lại sự tích cực cho tất cả. Đó chính là sức mạnh của tiếng cười, là sức mạnh có thể làm bừng sáng đêm tối.

Hãy nhớ đón đọc kì tới của chuỗi bài về Hài kịch Nhật Bản nhé. Hiểu về hài kịch cũng sẽ giúp các cuộc đối thoại hàng ngày của bạn trở nên vui vẻ hơn nhiều đấy. Cùng vui học tiếng Nhật và tận hưởng sự hài hước nhé!

 

Có thể bạn quan tâm:

Hài Nhật Bản: 落語 – Rakugo là gì?

Hài Nhật Bản: Shibahama – câu chuyện về tình cảm vợ chồng của Rakugo

10 biểu tượng đại diện của đất nước Nhật Bản nhất định bạn nên biết

W.DRAGON (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る