Hài Nhật Bản – văn hoá độc đáo mang tên Owarai (kì 1)

Một trong những loại hình nghệ thuật rất được yêu thích tại Nhật là お笑い (Owarai) có nghĩa là hài. Bạn đã từng xem chương trình hài Nhật Bản nào chưa?

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có nghệ thuật hài với những đặc trưng phong phú và đa dạng. Điểm thú vị, điều gây cười ở các nước khác nhau là không giống nhau. Theo dõi hài giúp chúng ta hiểu về cách suy nghĩ, cuộc sống và văn hoá của chính quốc gia đó.

Hãy cùng LocoBee tìm hiểu về hài của Nhật trong bài viết lần này nhé!

Văn hoá Nhật Bản qua đồng 100 yên tại Akihabara Gachapon Kaikan

 

Văn hoá hài của Nhật

Hài ở Nhật Bản có lịch sử rất lâu đời từ “Kyogen” (狂言) – nghệ thuật biểu diễn truyền thống của Nhật Bản, nghệ thuật này cũng đã được phát triển như một bộ phận của tấu hài. Đối với người Nhật, tiếng cười là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày từ thời xưa cho đến nay.

Ở Nhật Bản ngày nay, hài – Owarai được coi là nghệ thuật làm cho người xem cười. Các hình thức giải trí nhằm mục đích làm cho khán giả cười này thường được gọi là Mandan (漫談), Rakugo (落語), Manzai (漫才) và Comte (コント).

Những người thực hiện các loại hình này được gọi là Owarai geinin (お笑い芸人) – diễn viên hài. Rất nhiều người luôn cố gắng theo đuổi con đường để trở thành diễn viên hài. Do đó tại Nhật Bản còn có các văn phòng quản lý chuyên dành cho các diễn viên hài và cả các trường đào tạo diễn viên hài.

 

Vì sao hài Nhật Bản phát triển mạnh mẽ nhất thế giới?

Có thể giải thích điều này bằng 4 lý do như dưới đây:

#1. Số lượng diễn viên hài, chương trình hài, nhà hát dành riêng cho hài cực kì lớn

Có thể thấy tại Nhật số lượng diễn viên, chương trình hay nhà hát dành để diễn hài là vô cùng lớn. Chính số lượng đầy tính cạnh tranh này đòi hỏi các diễn viên cần phải nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được đẳng cấp cao hơn và tình cảm của người xem nhiều hơn. Do đó mà những gì được trình chiếu trên truyền hình thực sự là những tinh hoa hài kịch còn lại sau sự cạnh tranh khốc liệt phía sau sân khấu hài Nhật Bản.

 

#2. Phân cấp độc đáo và lối diễn theo nhóm

Tinh thần đàn em tôn trọng đàn anh và đàn anh có văn hóa nuôi dưỡng đàn em vô cùng mạnh mẽ. Vì được hoạt động trong môi trường như vậy nên lối diễn theo đội của các diễn viên hài cực tốt, họ có thể hiểu đối phương, cùng nhau diễn để tạo ra tiếng cười đầy tính giải trí dành cho người xem.

 

#3. Ý tưởng mới mẻ và trí tưởng tượng

Có 4 chủ đề chính trong hài kịch thế giới đó là “chính trị”, “tôn giáo”, “chủng tộc” và “những câu nói bậy”. Tuy nhiên, hài của Nhật Bản có xu hướng tránh 4 chủ đề chính dễ có được sự đồng cảm này.

Do đó, các diễn viên hài Nhật Bản luôn có cách suy nghĩ và trí tưởng tượng mới – đây chính là giá trị đích thực của hài Nhật Bản.

 

#4. Sức mạnh của tsukkomi

Một đặc điểm của hài Nhật Bản là vai trò của “tsukkomi” (ツッコミ). Đây là người đóng vai trò phát ngôn của khán giả chỉ ra hành động kì quặc, lí giải sự hiểu lầm hoặc ngừng hành động kì quặc được thực hiện bởi một người đóng vai trò là boke (ボケ). Sự kết hợp khéo léo giữa tsukkomi và boke này làm cho điều gây cười trở nên thú vị hơn rất nhiều lần.

 

Tinh thần “Warau kado ni wa fuku kitaru”

Câu nói trên có nghĩa là “ở đâu có tiếng cười, điều may mắn sẽ tới”. Tiếng Nhật là 笑う門には福来たる. Nguồn gốc và tinh thần của hài kịch chính là nghệ thuật của hạnh phúc. Trong số đó Manzai là loại hình thuộc văn hoá hài của Nhật. Người ta kể lại rằng, có một người được gọi là Manzaishi, ông đã đến từng gia đình nói lời chúc mừng vào dịp năm mới để thay lời cảm ơn các gia đình đã tặng ông tiền, gạo…

LocoBee sẽ tiếp tục giới thiệu tới các bạn về các loại hình hài của Nhật Bản trong những bài viết tới. Khi hiểu được hài của Nhật rồi thì cuộc sống ở Nhật cũng như việc học tiếng Nhật của chúng ta sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều đấy!

Văn hoá Nhật Bản: otaku là gì?

Hài Nhật Bản: 落語 – Rakugo là gì?

Hài Nhật Bản – văn hoá độc đáo mang tên Owarai (kì 2)

 

W.DRAGON (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る