Magical Banana – trò chơi nối từ giúp rèn luyện phản xạ tiếng Nhật

Bên cạnh phương pháp học tiếng Nhật thông thường, việc sử dụng thêm các trò chơi bổ trợ là một phương pháp giúp đem lại hiệu quả học tập cao. Các trò chơi vừa mang tính giải trí vừa giúp củng cố lại những kiến thức đã học.

Hãy cùng đến với trò chơi “Magical Banana” – trò chơi nối từ vô cùng phổ biến có tác dụng nâng cao phản xạ tiếng Nhật.

 

Nguồn gốc ra đời

Magical Banana là tên một trò chơi nối từ xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình truyền hình Magical Zunou Power của đài Nippon TV. Với khẩu hiệu “Hãy rèn luyện trí óc bằng các trò đố vui”, những người tham gia trong chương trình sẽ cùng nhau chơi các trò chơi trí tuệ và thi tài giải đố. Chương trình được lên sóng trong khoảng thời gian 9 năm, từ 27/10/1990 cho tới 16/9/1999. Trong ngày phát sóng cuối cùng, Magical Banana đã giành được vị trí số 1 trên bảng xếp hạng các trò chơi được yêu thích nhất của chương trình với tỷ lệ người xem vượt trội.

 

Số người chơi

Magical Banana là trò chơi mang tính tập thể, yêu cầu cần có từ 2 người trở lên. Nếu số lượng người chơi càng đông độ khó của nó sẽ càng tăng và trò chơi sẽ càng phát huy hiệu quả. Magical Banana thích hợp để chơi trong các giờ học, các buổi sinh hoạt ngoại khóa hoặc tự tổ chức chơi giữa các nhóm bạn. Ngoài ra, nếu thường xuyên theo dõi những video trên Youtube của các Youtuber người Nhật, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sự xuất hiện của Magical Banana trong đó.

 

Quy tắc chơi

Trong Magical Banana, theo thứ tự mỗi người chơi sẽ lần lượt nói ra phương án từ vựng của mình dựa trên một mẫu câu và một nhịp điệu nhất định. Cùng tham khảo video sau:

Trong video trên, để giải thích cách chơi, người dẫn chương trình đã đưa ra ví dụ:

マジカルバナナ (Magical Banana)

バナナと言ったらすべる (Banana to ittara suberu – Nhắc đến chuối là trơn trượt)

すべると言ったらソリ (Suberu to ittara sori – Nhắc đến trơn trượt là xe kéo)

ソリと言ったらトナカイ (Sori to ittara tonakai – Nhắc đến xe kéo là tuần lộc)

Như vậy, với vai trò là người dẫn dắt, người chơi đầu tiên sẽ bắt đầu trò chơi bằng câu: マジカルxxx. Trong đó, xxx có thể là một từ vựng bất kỳ mà không nhất thiết phải là Banana. Ví dụ: マジカルゴリラ (Magical Gorila), マジカルサラダ (Magical Salad)…

Ngay sau đó, người chơi thứ 2 có nhiệm vụ phải đưa ra được 1 từ vựng gợi liên tưởng tới từ vựng trước đó mà người chơi thứ 1 đưa ra. Tương tự, tới lượt tiếp theo người chơi thứ 3 cũng phải đưa ra được 1 từ vựng gợi liên tưởng tới từ vựng của người thứ 2. Cứ thế, trò chơi sẽ được tiếp tục bởi người thứ 4, thứ 5,… cho tới người cuối cùng, rồi lại quay vòng lại từ người thứ 1, thứ 2, thứ 3… Trong quá trình chơi, những ai phạm quy sẽ bị loại dần để tìm ra 1 người chiến thắng duy nhất.

 

Trường hợp bị tính là phạm quy

Những trường hợp dưới đây sẽ bị tính là phạm quy:

  1. Không đưa ra được từ vựng nào hoặc từ vựng đưa ra không gợi liên tưởng tới từ vựng của người chơi trước
  2. Lặp lại từ vựng mà những người chơi trước đã nói
  3. Từ vựng đưa ra không thuyết phục, chỉ dựa trên suy nghĩ cá nhân của người chơi
  4. Từ vựng đưa ra vô nghĩa hoặc không hợp thuần phong mỹ tục
  5. Nói ngập ngừng, không theo nhịp điệu mà trò chơi quy định
  6. Sử dụng lối chơi chữ đối với từ vựng mà người chơi trước đưa ra. Ví dụ: 感謝といったら機関車 (kansha to iitara kikansha – Nhắc tới lòng biết ơn thì là đầu máy xe). Tuy cách phát âm của 2 từ vựng này có phần giống nhau nhưng ý nghĩa lại không liên quan tới nhau.
  7. Sử dụng những từ vựng đồng nghĩa, khác âm với từ vựng mà người chơi trước đưa ra. Ví dụ: 誕生日と言ったらバースデイ (tanjoubi to ittara baasudei – Nhắc tới ngày sinh nhật thì là birthday).

Có thể nói Magical Banana là một trò chơi rất hữu ích. Nó vừa giúp người chơi tăng cường vốn từ vựng, rèn luyện phản xạ nhanh, lại vừa có tác dụng làm nâng cao khả năng tư duy bằng tiếng Nhật.

Các bạn hãy thử kết hợp Magical Banana song song với cách học thông thường xem sao nhé!

Trải nghiệm trò chơi truyền thống Nhật Bản

 

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

 

bình luận

ページトップに戻る