Vấn đề ngược đời của chính quyền địa phương tại Nhật "có tiền nhưng không tiêu hết"

“Có tiền nhưng không tiêu hết”
Nếu đây là vấn đề của một gia đình thì thực sự là câu chuyện đáng ghen tị. Nhưng nếu đây là vấn đề của chính quyền địa phương thì ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác.

Thực trạng


Trong báo cáo chi tiêu của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) năm 2017 thì ngân sách cho công trình công cộng nói chung là 7.525.635.905.053 yên. Chi tiêu thực tế là 5.597.313.450.737 yên. Vậy còn 1.928.322.450.000 yên còn lại thì sao?
Số dư ở trên sẽ được chuyển thành “tiền cho năm sau” và “tiền chưa sử dụng”. Đa số sẽ trở thành tiền trợ cấp cho địa phương. Mặc dù những năm gần đây thiên tai xảy ra khá nhiều nhưng 1/4 số tiền chi tiêu cho công trình công cộng của năm không được sử dụng. Người ta ước tính rằng con số này đã tăng 1,4 lần trong 5 năm (so với năm 2013).
Tỉ lệ ngân sách chưa được sử dụng cho công trình công cộng theo tỉnh:

  • Kumamoto: 52,7%
  • Ehime: 39,2%
  • Tochigi: 36,9%
  • Tokushima: 36,5%
  • Kyoto: 36,4%
  • Miyagi: 35,9%

 

Nguyên nhân

Tại tỉnh Kumamoto, các dự án phục hồi và tái thiết vẫn được thực hiện sau trận động đất lớn cách đây 3 năm. Năm 2017 chi phí khắc phục thảm hoạ là 272,8 tỉ yên. Chi phí cho công trình công cộng là 267,7 tỉ yên. Người phụ trách cho biết nguyên nhân tỉnh không sử dụng hết ngân sách công là vì thiếu nhân viên, đặc biệt là nhân viên kĩ thuật. Số lượng nhân viên trong bộ phận kĩ thuật dân dụng vẫn giữ nguyên so với trước khi xảy ra động đất nhưng khối lượng công việc lại tăng gấp đôi. Do đó nếu ưu tiên khắc phục thảm hoạ thì không thể thực hiện được các công trình công cộng.
Một yếu tố khác được nhắc đến là số lượng nhà thầu và công nhân giảm. Thảm hoạ đã làm khối lượng công việc gia tăng đồng thời khiến nhân lực bị thiếu hụt. Hơn 10 tỉnh khác khi được hỏi cũng nói rằng họ ưu tiên khắc phục thảm hoạ như ở tỉnh Kumamoto. Chính vì vậy nếu ưu tiên cho các dự án phục hồi và tái thiết thì không thể làm hết các công trình công cộng.
Ở các tỉnh ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai như Toyama, thiếu hụt nhân lực là nguyên nhân chính khiến cho các công trình công cộng khó mà triển khai hết, dẫn đến không sử dụng hết ngân sách công. Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông, số lượng nhân viên không thể thiếu để thực hiện công trình công cộng trên toàn quốc đã giảm 530.000 người từ năm 1994 đến năm 2017, tương đương 28%. Bên cạnh đó thì chi phí cho các dự án này lại tăng liên tiếp từ năm 2012. Việc tuyển thêm nhân viên cũng không hề dễ dàng bởi chính quyền địa phương không biết khi nào thì ngân sách rót xuống sẽ giảm.
Thiếu hụt lao động trong nhiều ngành công nghiệp ở Nhật Bản đang ngày càng tồi tệ hơn cả ở lĩnh vực tư nhân và nhà nước. Điều này đang nhắc nhở lại về thực trạng lao động tại Nhật đồng thời mở ra cơ hội cho người nước ngoài tới Nhật làm việc.

Tình hình lao động tại Nhật trong những năm gần đây

Theo NHK

bình luận

ページトップに戻る