Đi muộn khi hẹn gặp người Nhật liệu có sao không?

Bàn về sự đúng giờ thì mỗi nước lại khác nhau, thậm chí ngay cả khi cùng một đất nước thì giữa các vùng miền cũng có sự khác nhau. Ở Việt Nam thì người miền Bắc và người miền Nam cũng có sự khác nhau tương đối về mặt tính cách nên theo đó suy nghĩ về thời gian và sự đúng giờ cũng có sự khác biệt.

Người dân Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng trên toàn thế giới về sự nghiêm túc đúng giờ của mình. Theo một thống kê về sự đúng giờ của các quốc gia trên thế giới thì Nhật Bản đứng thứ 3, trong khi đó vị trí số 1 thuộc về Thụy Sĩ, số 2 là Đức. So sánh với người Nhật thì người Việt Nam vốn không quá nghiêm ngặt về mặt thời gian. Tuy nhiên điều này cũng không ám chỉ người Việt Nam hay “cao su”. Đây chẳng qua chỉ là sự khác biệt về cách suy nghĩ, về văn hóa của 2 quốc gia.

Tác giả của bài viết lần này là một người Nhật đang sinh sống tại Việt Nam. Thông qua bài viết lần này, tác giả hi vọng có thể chia sẻ đôi điều về sự khác biệt văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt muốn gửi gắm những chia sẻ này đến với các bạn người Việt đang sinh sống tại Nhật Bản.

 

Hẹn gặp bạn bè hay đồng nghiệp thì nên tới vào lúc nào?

Ở Nhật, xe buýt và tàu điện thường rất đúng giờ theo thời gian biểu có sẵn, trừ khi có tai nạn hay sự cố xảy ra. Khi bạn sử dụng xe buýt thì còn có thể xảy ra trường hợp trễ giờ do xe buýt bị ảnh hưởng bởi tắc đường, còn với hệ thống tàu điện thì chuyện tắc đường là hoàn toàn không có. Do đó tàu điện thường rất đúng giờ, cùng lắm chỉ sai lệch khoảng 1 phút.

Chuyện tàu xe đúng giờ dường như là chuyện đương nhiên ở Nhật, do đó nếu như tàu điện trễ khoảng 5 phút thôi cũng sẽ khiến mọi thứ bị xáo trộn. Vậy nếu hẹn gặp mặt thì ta nên tới vào lúc nào? Phải tới đúng giờ hẹn có đúng không?

Câu trả lời là không, tốt nhất là bạn nên canh giờ để tới điểm hẹn trước giờ hẹn khoảng 5 phút. Làm như vậy thì dù tàu xe có bị trễ thì bạn cũng có khoảng thời gian 5 phút dư ra đó để bù vào, trong trường hợp xấu nhất thì bạn cũng không tới trễ quá nhiều, chỉ hơi quá giờ hẹn một chút.

 

Trong công việc thì nên tới vào lúc nào?

Nếu hẹn gặp gỡ người quen, bạn bè, đồng nghiệp vào ngày nghỉ thì tới trước giờ hẹn 5 phút. Kể cả trong trường hợp có sự cố xảy ra khiến bản thân trễ hẹn thì cứ liên lạc lại với nhau là ổn. Tuy nhiên, trong trường hợp công việc thì lại khác. Không chỉ ở Nhật mà nhiều quốc gia khác cũng vậy, nếu trong công việc mà “cao su” hoặc trễ hẹn thì sẽ dẫn tới sự giảm sút lòng tin.

Khi hẹn gặp mặt trong công việc thì bạn nhất định không được tới muộn, thậm chí không chỉ không được tới muộn mà tốt nhất còn phải tới sớm hơn giờ hẹn. Đối với các buổi hẹn gặp đối tác hay có tính chất công việc, bạn nên sắp xếp kế hoạch, canh giờ sao cho tới sớm trước giờ hẹn ít nhất là 10 phút.

Nếu bạn để dư ra 10 phút trước giờ hẹn như vậy thì kể cả khi tàu có bị trễ cũng sẽ không xảy ra tình trạng bạn bắt đối phương phải chờ đợi. Ngoài ra với 10 phút đó bạn cũng có thêm thời gian để sửa soạn lại tài liệu dùng trong cuộc gặp gỡ và kiểm tra lại nội dung liên quan. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp xảy ra sự cố cực kì nghiêm trọng về tàu xe thì 10 phút cũng không đủ. Do đó trong trường hợp gặp gỡ công việc thì cũng có nhiều người tới điểm hẹn trước từ 30 phút.

 

Tới trễ có sao không?

Bài viết lần này đặt ra câu hỏi là “Đi muộn khi hẹn gặp người Nhật liệu có sao không?”. Thật ra câu trả lời cho băn khoăn này chính là “Đã muộn thì dù muộn bao nhiêu phút cũng là không chấp nhận được”.

Tới trễ giờ hẹn khiến đối phương phải chờ đợi, làm chậm tiến độ công việc, không chỉ làm ảnh hưởng tới đối phương mà còn giảm hiệu suất làm việc, cuộc họp. Kể cả khi hẹn với bạn bè, nếu bạn có khả năng tới trễ thì nên để ý liên lạc trước với họ để họ có thể điều chỉnh lại thời gian xuất phát của mình, giảm thiểu thời gian chờ đợi. Nếu như gặp sự cố bất khả kháng như vấn đề tàu xe hay tắc đường khiến bạn dù có đi sớm cỡ nào thì cũng sẽ tới trễ giờ thì vẫn nên cố gắng liên lạc cho đối phương càng sớm càng tốt.

Khi không chắc chắn tới được đúng giờ hoặc có khả năng dù rất nhỏ sẽ tới muộn thì nên liên lạc ngay với đối phương báo rằng có thể mình sẽ tới trễ giờ hẹn. Khi báo tin thì tốt nhất nên kèm theo những thông tin như sẽ muộn khoảng bao nhiêu phút, có đổi địa điểm gặp mặt hay không, nhằm giúp cho đối phương có thể chủ động hơn, giảm thiểu phiền phức mình gây ra vì đến trễ.

Nhật Bản qua góc nhìn của tác giả truyện tranh người Singapore

 

Nami (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る