Số liệu về bệnh tay chân miệng – Cách phòng bệnh

Tính đến thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, bệnh tay chân miệng (手足口病 – teashikuchibyo) đã bùng phát trên khắp nước Nhật với số người mắc bệnh nhiều nhất trong vòng 10 năm qua. Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia đang kêu gọi người dân nghiêm túc thực hiện việc phòng bệnh như rửa sạch tay thường xuyên.

 

Số liệu về bệnh nhân

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra đặc trưng bởi phát ban ở trong miệng, tay và chân. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Theo Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, chỉ trong vòng 1 tuần từ 9/6 đến 16/6 số bệnh nhân được thông báo ở 3.000 cơ quan y tế có khoa nhi trên toàn quốc là 12.700 người, tăng 3.800 người so với tuần trước đó. Trung bình 1 cơ sở y tế có 4,02 người mắc bệnh, đây là con số cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

 

Bệnh tay chân miệng ở người lớn

Người lớn cũng có thể bị mắc bệnh tay chân miệng do bị lây từ trẻ em mắc bệnh. Theo ghi nhận từ một số trường hợp người lớn mắc bệnh thì biểu hiện của bệnh đầu tiên là sốt cao, mệt mỏi và ớn lạnh toàn thân. Tiếp đến là miệng mọc đầy mụn như trứng cá, khi ăn uống thì rất đau. Buồn nôn, đau đầu cũng là một trong số các triệu chứng. Tay chân nổi mẩn ngứa, khi tắm vòi hoa sen giống như tra tấn. Buổi tối không thể ngủ ngon vì cơn đau và ngứa. Có những người còn mất thời gian để xác thực dấu vân tay trên điện thoại vì đầu ngón tay bị dày lên, da bị tróc… Móng tay và móng chân như bong ra từng cái một.

 

Chữa trị

Hiện tại chưa có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng mà thường phải mất hơn 1 tuần để bệnh khỏi theo cách tự nhiên. Các cơn đau và ngứa có thể được giảm bớt bằng thuốc, nếu miệng bị đau và không thể uống nước thì có thể sử dụng dịch truyền để ngăn ngừa mất nước.

 

Phòng bệnh

Trong hướng dẫn bệnh truyền nhiễm của thành phố Tokyo thì con đường lây lan của bệnh tay chân miệng là do vi rút có trong phân hoặc nước bọt khi ho hoặc hắt hơi. Do đó cách phòng bệnh cơ bản là thực hiện rửa tay sạch sẽ thường xuyên.

Quy trình rửa tay chuẩn

Ảnh: fukushihoken.metro.tokyo.jp

Làm ướt 2 tay bằng nước, đổ xà phòng diệt khuẩn với lượng vừa đủ ra tay

  1. Chà xát 2 lòng bàn tay
  2. Chà xát mu bàn tay
  3. Chụm ngón tay lại chà xát móng tay, ngón tay
  4. Xoè bàn tay chà xát các kẽ ngón tay
  5. Rửa kĩ ngón cái
  6. Không được quên rửa sạch cả cổ tay

Giống như phòng chống bệnh cúm, cha mẹ có con nhỏ cần đặc biệt lưu ý hơn như:

  • Tháo nhẫn, đồng hồ khi rửa tay
  • Rửa tay thật sạch dưới vòi nước chảy và xà phòng, đặc biệt sau khi thay tã cho trẻ em

Ngoài ra tất cả mọi người cần lưu ý những điều sau:

  • Nếu trong nhà có người mắc bệnh tay chân miệng cần sử dụng riêng khăn cho từng người, tốt nhất là dùng khăn giấy sử dụng 1 lần
  • Không dùng chung xà phòng dạng bánh cứng, không đổ xà phòng dạng lỏng vào chai đã từng sử dụng mà nên dùng chai mới
  • Vì vi rút vẫn tồn tại trong phân gần 1 tháng sau khi triệu chứng phát ban biến mất nên không được chủ quan
  • Bệnh dễ phát khi hệ miễn dịch của cơ thể kém nên cần ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ…

 

Tổng hợp Naoko (LOCOBEE)

bình luận

ページトップに戻る