Cẩn thận với viêm da do dị ứng phấn hoa

Mùa xuân tại Nhật Bản không khí rất trong lành và đặc biệt là vô cùng nhiều các loại hoa. Tuy nhiên nếu đi chơi xuân mà thấy vùng da dưới mắt, má tự dưng đỏ lên và có dấu hiệu phát ban thì hãy nhanh chóng đi khám bởi rất có thể bạn đang bị viêm da phấn do dị ứng phấn hoa (viêm da phấn hoa).

 

Dị ứng phấn hoa là gì?

Dị ứng phấn hoa là căn bệnh khá phổ biến ở Nhật Bản vào mùa xuân. Bệnh do phấn hoa của các loài cây như sugi (liễu sam hay tuyết tùng) gây nên, biểu hiện như viêm mũi, viêm kết mạc, viêm họng… Sugi được trồng như những khu rừng trong dự án tái thiết sau chiến tranh nên một lượng lớn phấn hoa đã được phân tán khiến cho càng ngày càng có nhiều người bị dị ứng phấn hoa sugi. Ngoài sugi thì dị ứng phấn hoa còn do một số loài cây khác gây nên như kamogaya (orchard grass), ooawagaeri (phleum pratense), butakusa (ambrosia artemisiifolia), yomogi (artemisia princeps)… Phấn hoa sugi phát tán từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm (mùa xuân) và từ đầu tháng 2 năm nay người ta đã ghi nhận thấy chúng trên khắp nước Nhật.

Dị ứng phấn hoa – căn bệnh mùa xuân tại Nhật Bản

 

Viêm da do dị ứng phấn hoa

Ảnh: yoshimin

Viêm da phấn hoa là viêm da do phấn hoa tiếp xúc với da. Bệnh này thường xảy ra vào đầu mùa xuân và không xảy ra vào các mùa khác. Đặc trưng của bệnh là các vùng da dễ lộ ra ngoài như mặt, mí mắt, cổ… có đường viền màu đỏ, có dấu hiệu phát ban hơi nổi lên trên da. Ngoài phát ban thì cũng có trường hợp xuất hiện các lốm đốm nhỏ lan rộng hay vùng da dưới mí mắt và má bị đỏ lên. Nếu là người đang mắc viêm da dị ứng thì phấn hoa có thể làm cho viêm da ở mặt và cổ trở nên nặng hơn, có trường hợp còn chuyển thành viêm da toàn cơ thể.

Rất nhiều người không nghĩ rằng mình mắc viêm da phấn hoa bởi họ không bị hắt hơi hay chảy nước mũi – biểu hiện thường thấy của những người bị dị ứng phấn hoa. Chính vì thế mà viêm da phấn hoa còn có tên khác là “隠れ花粉症” (kakure kafunso – dị ứng phấn hoa ẩn). Theo bác sĩ, 90% bệnh nhân mắc viêm da phấn hoa là nữ giới.

 

Nguyên nhân dẫn đến viêm da phấn hoa

Lớp biểu bì ngoài cùng của da có chức năng như một tấm rào cản đẩy lùi các tác nhân gây nên dị ứng của môi trường. Tuy nhiên nếu da bị chà xát mạnh hay làm sạch quá mức thì nó sẽ mất đi chức năng làm rào cản của mình. Sau đó những hạt phấn hoa vô cùng nhỏ sẽ xâm nhập vào sâu bên trong da, gây nên tình trạng ngứa và phát ban.

 

Cách phòng tránh

  • Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, mũ, kính, giũ hoặc dùng con lăn dính để loại bỏ phấn hoa trên quần áo khi trở về nhà
  • Những quần áo tiếp xúc trực tiếp với da nên phơi trong nhà
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm, trang điểm để tránh phấn hoa tiếp xúc với các khu vực da nhạy cảm trên mặt
  • Khi rửa mặt không nên chà xát mạnh, thấm nhẹ mặt khi ướt bằng khăn bông mềm

Biện pháp cơ bản phòng ngừa dị ứng phấn hoa

 

Naoko (LocoBee)

* Bài viết có tham khảo thông tin từ Kochi Medical School Hospital. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る