Đằng sau những cái chết trẻ của người Việt Nam tại Nhật

Chùa Nisshinkutsu tại Minato-ku, Tokyo là ngôi chùa đã và đang chứng kiến rất nhiều những trường hợp “chết trẻ” của người Việt Nam là thực tập sinh và du học sinh tại Nhật Bản. Tháng 2 năm 2019, các nhà sư của chùa đã về Việt Nam gặp gỡ gia đình người đã mất và các cơ quan đoàn thể để tìm hiểu tại sao người Việt trẻ đến Nhật với bao ước mơ hoài bão lại ra đi trong độ tuổi thanh xuân như vậy. Chuyến đi cũng là để tìm ra giải pháp cho thực trạng đau lòng này.

Hoà thượng Yoshimizu Daichi trụ trì chùa Nisshinkutsu đã đến thăm gia đình anh N.V.H (36 tuổi) là thực tập sinh đã mất vào tháng 12 năm 2018 tại tỉnh Iwate. Theo lời của vợ anh là chị M (32 tuổi) thì một người ở cùng phòng đã phát hiện ra anh tử vong trong chăn vào lúc sáng tại kí túc xá. Ở Việt Nam tiền lương thấp nên anh H không thể để ra được khoản tiền tiết kiệm nào cho tương lai, do đó anh đã chọn cách đến Nhật Bản làm việc. Mặc dù đã trả xong khoản nợ khoảng 1.500.000 yên (khoảng 314 triệu đồng) cho chi phí sang Nhật nhưng anh vẫn chưa có khoản tiết kiệm nào đáng kể. Trong 4 năm đi làm anh chỉ dám về Việt Nam thăm gia đình 1 lần. Hai con của anh 10 tuổi và 7 tuổi đều mong bố trở về nhà mỗi khi anh gọi điện thoại nói chuyện với gia đình.

 

Sư cô Thích Tâm Trí của chùa Nisshinkutsu cũng có chuyến gặp mặt các tổ chức phái cử của Hà nội vào ngày 20 tháng 2 để hỏi về tình hình chuẩn bị phía Việt Nam trước khi Luật nhập cư sửa đổi được ban hành vào tháng 4. Mỗi khi có tin thực tập sinh người Việt Nam tử nạn tại Nhật Bản, sư cô chính là người luôn lo liệu cho đám tang của các bạn. Ngày 11 tháng 12 năm ngoái là đám tang của bạn N.Đ.T du học sinh 20 tuổi. Để đến Nhật gia đình và T đã vay nợ 1.200.000 yên (khoảng 250 triệu đồng). T đến Nhật Bản vào tháng 4 năm 2018 và nhập học tại trường tiếng Nhật ở quận Kita, Tokyo. Buổi sáng T đi học ở trường còn chiều làm thêm tại một quán ăn Trung Quốc. Cuối tuần T làm thêm vài việc như rửa rau… Hiệu trưởng nơi T học nhận xét bạn là một người có thành tích học tốt, không nghỉ học và chưa bao giờ thể hiện mình có rắc rối trong cuộc sống. Học phí 1 năm học tại trường của T là 712.800 yên (khoảng 150 triệu đồng), hạn nộp học phí là ngày 20 tháng 12 nhưng có vẻ như T không xoay sở được. Lúc đó mẹ T từ Việt Nam đã liên lạc sang và mong muốn T chuyển tiền về nhà. Sau đó T đã tự tử bằng cách nhảy vào tàu điện trên tuyến Chuo. Một bạn học nữ của T đã khóc và nói “Dù có làm việc chăm chỉ thế nào thì cũng không thể kiếm ra tiền và lúc nào chúng em cũng phải nghĩ về nó”. Cha của T thì nói rằng ông mong con có thể vào đại học ở Nhật Bản và trở thành 1 người thành công trong tương lai.

 

Để có thể đến Nhật Bản, rất nhiều du học sinh đã phải vay tiền và sau đó là nai lưng ra làm để trả nợ. Ở cùng phòng với T là một bạn nam 28 tuổi cũng sang Nhật du học. Ngoài giờ học ở trường chuyên môn ra anh còn làm thêm tại quán ăn Trung Quốc và quán thịt nướng đến tận tối muộn. Thứ Bảy và Chủ nhật cũng là ngày đi làm thêm. Với số tiền 200.000 yên (khoảng 42 triệu đồng) kiếm được mỗi tháng, anh gửi về nhà 150.000 yên cho bố mẹ và vợ con. Tiền ăn ở chỗ làm 1 bữa là 200 yên (40.000 đồng). Tiền thuê nhà là 30.000 yên (6 triệu đồng)/tháng và ở 3 người. Anh tâm sự: “Sau khi đi làm về chỉ có 4 tiếng để ngủ. Có rất nhiều du học sinh ngủ luôn trong giờ học”.

 

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, năm 2017 số lượng người Việt Nam đến Nhật Bản với tư cách du học sinh là 72.268 người. Trong 10 năm con số này đã tăng khoảng 25 lần. Một giáo viên tại trường tiếng Nhật trong thành phố thì nói rằng “Ngay cả những học sinh có ý chí học hành cũng bị bào mòn bởi việc đi làm thêm. 60% du học sinh sang Nhật với mục đích là để làm việc, số người thực sự muốn tiếp tục học hành chưa đến 10%”.

[Bạn cần biết] Những quyết định mới nhất của chính phủ Nhật Bản trong chính sách tiếp nhận lao động người nước ngoài

 

Theo Asahi

bình luận

ページトップに戻る