[Câu chuyện người Việt ở Nhật] Cô quản lý quán mì Nhật tương lai

Nhân vật kỳ tháng 2

Họ và tên: Châu Thị Mỹ Linh

Ngày sinh: 3/3/1992  (Cung: Song Ngư)

Nhóm máu: O

Quê: Đồng Nai

Tôn giáo: Thiên Chúa giáo

Tốt nghiệp Đại học Hùng Vương – Chuyên ngành Du lịch

Sở thích: Giao lưu với mọi người và đi du lịch

Mẫu hình bạn trai lý tưởng: không cần đẹp trai, chỉ cần dễ nhìn, chân thành, nỗ lực và biết quan tâm

Câu nói yêu thích nhất: Bạn chỉ sống một lần, hãy sống theo cách của bạn!

 

Hành trình tại Nhật Bản

  • Tháng 4 năm 2015 theo diện du học tự túc và hoàn thành khóa học 2 năm tại trường Nhật ngữ MCA chi nhánh Okubo
  • Từ tháng 4 năm 2017, Linh vào làm Quản lý tu nghiệp sinh Việt Nam cho một nhà máy của tập đoàn NipponHam, một tập đoàn thuộc ngành thực phẩm
  • Sau 1 năm 6 tháng làm việc tại nhà máy ở tỉnh Mie, Linh quyết định chuyển việc để quay trở lại Tokyo
  • Từ tháng 10 năm 2018, Linh vào làm tại một hệ thống mỳ Afuri (阿夫利) và đang được đào tạo để trở thành người quản lý nhà hàng trong tương lai

Những ngày đầu tiên mới sang Nhật vô cùng khó khăn với Linh. Ở Việt Nam, cô chỉ mới học tiếng Nhật được vài bài của giáo trình Minnano Nihongo. Một tháng sau khi tới Nhật, Linh đi đăng ký điện thoại. Nhân viên tiếp cô là người Trung Quốc. Lúc đó, khả năng tiếng Trung tương đương với N2 của tiếng Nhật nên Linh hoàn toàn tự tin có thể nói chuyện với người nhân viên đó bằng tiếng Trung. Dù việc giao tiếp với khách bằng tiếng Trung là hoàn toàn được phép tuy nhiên cô nhân viên người Trung đó đã cố tình nói chuyện bằng tiếng Nhật với một thái độ vô cùng khó chịu. Từ hôm đó, Linh càng quyết tâm học tiếng Nhật nhiều hơn.

 

Câu chuyện đáng nhớ nhất trong thời du học

Khi được hỏi về con người hay câu chuyện nào khiến Linh cảm thấy ấn tượng nhất kể từ khi sang Nhật, Linh đã chia sẻ về tencho (người quản lý cửa hàng) tại nơi làm thêm đầu tiên của mình. Vào một lần mang cháo đến quán cho một chị người Việt bị ốm mà vẫn đi làm, Linh đã được chị bạn giới thiệu với tencho là “em ấy chưa có việc, bạn có thể phỏng vấn em ấy được không?” Tencho đã nhận lời và phỏng vấn Linh. Lúc đó tiếng Linh còn rất kém, phỏng vấn với tencho nhưng cuối buổi phỏng vấn Linh chỉ hiểu mỗi chủ quán bảo là “sui yobi” tức là “thứ 4” và lúc đó Linh đoán là thứ Tư có thể đến làm.

Ngày đầu tiên đi làm, Linh chỉ biết mỗi câu “irasshaimase” tức là “kính chào quý khách”. Tiếng kém nên Linh đã được xếp vào bộ phận rửa bát. Quán khá đông nên có thể nói những ngày tháng đó “rửa bát mà không thấy quê hương, Tổ quốc đâu” (cười). Tencho là người mang nước ra chỗ rửa bát và đưa cho Linh.

Do tiếng không tốt, tencho đã tự bỏ tiền mua sổ, viết các từ vựng (có ghi thêm furigana) để Linh học. Không chỉ những từ dùng trong quán như chào hỏi, các đồ dùng như bát, đũa, máy rửa bát mà các từ vựng dùng trong cuộc sống hàng ngày cũng được chủ quán liệt kê vào cuốn sổ đó. Sau 3 tháng tới Nhật, khi đã hết hợp đồng với ký túc xá, Linh phải chuyển ra ngoài. Thường khi thuê nhà ở Nhật, ngoài tiền nhà khi vào nhà còn có tiền cọc, tiền lễ… khi đó Linh thì chỉ mới đi làm một tháng. Số tiền còn lại chỉ đủ trang trải cho tiền vào nhà. Chính lúc đó, tencho là người đã cho Linh những thứ như bát đũa, lò vi sóng. Giờ kể lại, Linh càng cảm thấy quý người tencho đó vô cùng.

 

Cuộc sống và niềm vui của cô gái yêu thích du lịch

Linh có thể nói 4 loại ngôn ngữ đó là tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh và cả tiếng Việt (cười). Với sở thích đi du lịch, tính đến thời điểm hiện tại, Linh đã đến được 8 quốc gia đó là Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore. Khi được hỏi thích nhất đất nước nào trong số này, câu trả lời của Linh đó là Singapore. Linh nói rằng Singapore dù khá bé, chỉ 1 tuần là bạn có thể đi và khám phá hết một vòng đất nước này nhưng sự phát triển và thay đổi của nó làm Linh thấy thích. Dù đã đến khá nhiều lần nhưng mỗi lần đến, Singapore lại có sự thay đổi làm cho Linh không hề thấy nhàm chán. Dự định năm 2019, Linh sẽ tới Hàn Quốc.

Những bức ảnh tại các nước mà Linh đã từng tới du lịch

 

Linh theo đạo Thiên chúa, chính vì vậy sang Nhật cô thường đến nhà thờ. Sơ ở nhà thờ là người Nhật đã có thời gian sống ở Việt Nam. Sơ chính là người đã giúp Linh trong việc thuê nhà ở. Hàng tuần ngoài các buổi chủ nhật tới nhà thờ thì vào ngày chủ nhật tuần thứ 4, các bạn Việt Nam thường họp lại với nhau và tâm sự, giãi bày về cuộc sống. Vào ngày Giáng sinh, Linh có cơ hội được tập văn nghệ cùng với mọi người, tổ chức tiệc mừng và đi lễ tại nhà thờ lớn của Nhật Bản, nhà thờ ở Yotsuya.

 

Lời nhắn nhủ tới các bạn trước khi sang Nhật

Nếu có điều kiện hãy cố gắng học tiếng Nhật thật nhiều ở Việt Nam càng tốt. Khi các bạn mới sang đừng tham làm nhiều, hãy học trước đã.

Điều quan trọng nhất ở Nhật là phải cân bằng được cuộc sống, sức khoẻ và học tập. Đừng vì quá ham làm đến khi đổ bệnh thì số tiền bạn làm ra có khi không đủ tiền thuốc. Ví dụ cô bạn của Linh, một lần đang làm tại quán vì đau bụng quá nên quán đã phải gọi xe cấp cứu, khi tới bệnh viện bác sỹ kết luận rằng cô bạn này bị suy nhược cơ thể. Tiền thuốc rồi nằm viện, xe cứu thương lần đó hết tận 40.000 yên (trên 8 triệu đồng), trong khi buổi đó nếu làm đủ cũng chỉ được có 1 triệu đồng.

Một điều nữa Linh muốn nhắn nhủ tới các bạn đó chính là cuộc sống bên Nhật không phải là màu hồng nhưng bạn có thể biến nó thành màu hồng bằng chính sự nỗ lực của mình.

Hiện tại, Linh đang làm việc tại một hệ thống quán mì khá nổi tiếng. Mặc dù là chỉ đang trong thời gian đào tạo nhưng hàng ngày tiếp xúc với khách hàng, được lắng nghe những lời khen của thực khách về món mì của quán làm Linh cảm thấy rất vui. Sau quá trình đào tạo vô cùng khắt khe này, Linh sẽ trở thành một người quản lý cửa hàng của chi nhánh thuộc hệ thống.

Cảm ơn Linh, đã nhận lời mời phỏng vấn lần này của LocoBee. Rất mong những kế hoạch mà Linh muốn thực hiện trong tương lai đều trở thành hiện thực.

 

Ngọc Oanh (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る