Hạt vi nhựa sẽ tăng gấp 4 lần đến năm 2060

Hạt vi nhựa (microplastics) là những mảnh nhựa có độ lớn dưới 5mm bị phân nhỏ từ rác thải nhựa dưới tác động của tia cực tím hoặc sóng biển, rất dễ bị dính các chất độc hại. Tuy nhiên đây lại là thức ăn khá “dễ nuốt” đối với cá nên người ta đang thực sự lo lắng về ảnh hưởng của nó tới hệ sinh thái. Hiện nay hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong cơ thể của chim, cá, cá voi và chất thải của con người.

Hạt vi nhựa tìm thấy tại bờ sông Warnow, Đức ngày 17/3/2015 (PHOTOGRAPH BY BERND WÜSTNECK/ PICTURE-ALLIANCE/ DPA/ AP IMAGES)

 

Nhóm nghiên cứu của trường đại học Kyushu và đại học Khoa học và Công nghệ hàng hải Tokyo đã dựa trên dữ liệu đo đạc bằng tàu khảo sát năm 2016 để mô phỏng lượng hạt vi nhựa trôi nổi tại Thái Bình Dương trong tương lai.

 

Kết quả là nếu con người vẫn tiếp tục xả chất thải nhựa ra biển thì tới năm 2030 vùng biển Nhật Bản, biển Bắc Thái Bình Dương sẽ có lượng hạt vi nhựa cao gấp 2 lần năm 2016, đến năm 2060 sẽ gấp 4 lần. Đặc biệt theo dự báo đến năm 2060, nếu lượng hạt vi nhựa đạt mức “trên 1000mg cho 1m3” sẽ gây ra sự bất thường cho hệ sinh thái như: cá không thể ăn được mồi, sinh trưởng muộn…

Giáo sư Atsuhiko Isobe, Viện cơ học ứng dụng Đại học Kyushu, người đã thực hiện cuộc khảo sát phát biểu: “Các nước phát triển và đang phát triển cần có biện pháp giảm lượng rác thải nhựa và ngăn chặn việc xả số rác này ra biển để không xảy ra kịch bản tồi tệ nhất đối với thiên nhiên và cuộc sống con người.”

Cách phân loại rác và vứt rác đúng ở Nhật Bản

 

Theo NHK,  National Geographic

bình luận

ページトップに戻る