Búp bê may mắn Daruma

Có lần, mẹ tôi kể cho tôi nghe một câu chuyện cười, tôi đã cười lăn lộn vì câu chuyện đó. Ngày hôm sau, mẹ tiếp tục kể cho tôi nghe câu chuyện đó, vì tôi đã biết hết nội dung và nó cũng không làm tôi cảm thấy hứng thú như lần đầu tiên nên tôi không buồn cười nữa. Điều đó cũng giống như việc nếu bạn không thể cười mãi vì một câu chuyện, vậy thì sao lại cứ khóc mãi vì thất bại trong quá khứ? Hiện tại mới chính là thứ bạn cần trân trọng, nhìn vào và hướng mắt theo nó. Đó mới là nơi bạn cần đến. Hãy đứng dậy và nói cho mọi người biết bạn là ai, đừng để người khác thấy bạn thật yếu đuối và thất bại.

Chắc hẳn trong cuộc sống này có không ít những bạn đã từng thất bại, có nhiều người còn thất bại rất nhiều lần, thậm chí có bạn rơi vào trạng thái bế tắc và nghĩ rằng không còn một lối đi nào cho bản thân nữa. Lúc này bạn sẽ làm gì? Mặc kệ cho cuộc đời trôi nổi hay bạn sẽ đứng dậy và bắt đầu lại từ đầu? Bạn hãy nhớ rằng, cuộc đời có quyền làm cho bạn gục ngã, có thể làm bạn đau đớn nhưng chính bản thân bạn mới có thể kéo mình đứng dậy.

 

Để cổ vũ tinh thần không bỏ cuộc, người Nhật Bản rất tin tưởng vào biểu tượng may mắn – đó chính là búp bê Daruma. Cũng giống như biểu tượng chú mèo may mắn – Maneki Neko, đây là một biểu tượng rất phổ biến ở Nhật và được nhiều người tin tưởng. Về dáng vẻ, búp bê Daruma trông có vẻ giống búp bê lật đật ở Việt Nam, bởi lẽ búp bê Daruma được cấu tạo có một phần trụ giúp cho búp bê đứng vững và không bao giờ bị ngã.

 

Nguồn gốc của búp bê may mắn Daruma

Dharma được đề cập ở đây là gọi giản lược của từ Bodhidharma (Bồ-đề Đạt-ma), tên vị tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ và sơ tổ Thiền tông Trung Hoa. Vào khoảng năm 520, ngài đến Quảng Châu được vua Lương Võ Đế mời vào cung Kim Lăng giảng đạo nhưng không ai lãnh hội được. Sau 19 ngày thuyết pháp không thành, ngài rời cung Kim Lăng, vượt sông Dương Tử đến Lạc Dương, nước Ngụy, triều vua Hiếu Minh Đế, lên chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn, quay mặt vào vách núi tọa thiền, im lặng không nói lời nào đến chín năm thì có người thừa kế.

Từ sự tích đó, sau khi Thiền tông trải qua giai đoạn phát triển cực thịnh tại Trung Hoa và nở hoa rực rỡ ở Nhật Bản đã được người đời tôn thờ và khắc họa với nhiều tư thế khác nhau. Thiền tông được truyền đến Nhật Bản từ thế kỷ thứ XII, nhưng con búp bê có nguồn gốc Thiền tông này bắt đầu lịch sử từ chùa Daruma-ji (達磨寺) tại thành phố Takasaki do ngài Shinetsu khai sơn năm 1697. Cứ mỗi dịp Tết đến, ngài Shinetsu vẽ hình đức Đạt-ma tọa thiền và cho phổ biến. Người ta cho đó là sự khởi đầu của búp bê Daruma ở Takasaki. (Theo https://www.meomayman.vn)

Về ý nghĩa của búp bê may mắn Daruma

Vào thời Thiên hoàng Minh Trị, ở Nhật Bản rất phát triển nghề nuôi tằm, dệt vải. Vào đầu mùa, Daruma được dùng để cầu chúc cho một vụ mùa mới bội thu với nhiều  vải tơ tằm. Tại Nhật Bản, búp bê Daruma được dùng cho nhiều mục đích khác nhau như bảo vệ tránh khỏi bệnh tật, thực hiện được các nguyện vọng,… nhưng chủ yếu là cầu may trước khi làm một việc gì đó.

 

Trước mỗi kì thi hay một quyết định quan trọng trong cuộc sống, người Nhật sẽ mua búp bê Daruma, dùng mực đen tô lên 1 bên mắt để luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng tới cùng. Sau khi kết thúc kì thi hoặc quyết định xong sẽ dùng mực tô nốt con mắt bên kia của Daruma để chứng tỏ mình đã hoàn thành công việc. Bạn sẽ tìm thấy ở Nhật rất nhiều Daruma với hình dáng kích cỡ khác nhau trong các hiệu sách, trung tâm thương mại, khu văn phòng phẩm… như một nét văn hoá của đất nước Nhật Bản.

bình luận

ページトップに戻る