Miễn thuế tại Nhật Bản là gì? Bạn được lợi ích gì từ việc miễn thuế?

Một trong những việc mà mọi người đến Nhật thường làm chính là mua sắm. Mà đã mua sắm thì ai chẳng muốn được giảm giá dù chỉ là một chút.

Thế nên đừng bao giờ quên bạn sẽ được miễn thuế nếu là khách du lịch. Hãy kiểm tra lại kiến thức về các thủ tục miễn thuế tại Nhật Bản cùng LocoBee nhé!

 

Thuế tiêu dùng của Nhật Bản

Tính đến năm 2018, thuế tiêu dùng của Nhật Bản đang ở mức 8%. Điều đó có nghĩa là nếu mua sắm bạn sẽ phải trả thêm 8% trên giá sản phẩm.

Ở Nhật, kí hiệu “hàng đã tính thuế” và “hàng chưa tính thuế” mỗi nơi mỗi khác nên hãy chú ý. Nếu chỉ nhìn lướt qua biển giá ghi trên sản phẩm, đến lúc tính tiền bạn sẽ bất ngờ vì số tiền cần thanh toán không giống như bạn nghĩ, đó là bởi vì nơi bạn mua hàng tính thêm thuế tiêu dùng cho sản phẩm. Vậy nên hãy xác nhận cho kĩ trước khi mua nhé.

Các cửa hàng tiện lợi thường đã tính thuế tiêu dùng cho sản phẩm còn ở những cửa hàng khác thường ghi giá chưa tính thuế, khi thanh toán sẽ có trường hợp cộng thêm thuế tiêu dùng.

Đối tượng được miễn thuế

Khách du lịch thoả mãn điều kiện dưới đây nếu làm thủ tục sẽ được miễn thuế khi mua sắm.

【Người lưu trú tạm thời sẽ được miễn thuế】

  • Người không có địa chỉ hoặc nơi ở tại Nhật Bản, không lưu trú tại Nhật quá 6 tháng từ khi nhập cảnh, khách du lịch nước ngoài bình thường…
  • Người đảm nhiệm công vụ của chính phủ nước ngoài hoặc cơ quan quốc tế (tình trạng cư trú là “Ngoại giao”, “Công vụ”), khách du lịch nước ngoài có địa chỉ lưu trú tại Nhật là đối tượng không được mua miễn thuế.

【Ví dụ về đối tượng không được miễn thuế】

  • Người làm việc tại tại các công ty tại Nhật Bản
  • Người có thời gian lưu trú trên 6 tháng từ khi nhập cảnh

Ngoài ra những trường hợp sau cũng sẽ không được miễn thuế.

【Ví dụ trường hợp không thể làm thủ tục miễn thuế】

  • Sử dụng cửa tự động ở sân bay, trên hộ chiếu không ghi ngày nhập cảnh
  • Không thoả mãn điều kiện về số tiền mua sắm

 

Sản phẩm được miễn thuế

【Hàng hoá thông thường】

Đồ điện gia dụng, đồ trang trí, đồng hồ, quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện, đồ trang sức, đồ thủ công mĩ nghệ…

Điều kiện miễn thuế: hàng hoá sử dụng cho cá nhân (nếu dùng để mua bán hoặc dùng cho doanh nghiệp thì không được miễn thuế). Mang hàng hoá ra khỏi Nhật Bản trong vòng 6 tháng kể từ lúc nhập cảnh.

【Hàng hoá tiêu dùng】

Thực phẩm, hoa quả, đồ uống, thuốc men, mĩ phẩm, thuốc lá…

Điều kiện miễn thuế: hàng hoá sử dụng cho cá nhân (nếu dùng để mua bán hoặc dùng cho doanh nghiệp thì không được miễn thuế). Mang hàng hoá chưa bỏ ra khỏi bao bì ra khỏi Nhật Bản trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua.

 

Hạn mức tiền mua sản phẩm để nhận được miễn thuế

Số tiền tổng cộng mua tại 1 cửa hàng trong 1 ngày là trên 5.000円 (chưa tính thuế)

Với hàng hoá tiêu dùng thì tối đa chỉ được mua đến 500.000円

※ Tuỳ từng cửa hàng sẽ cho phép hoặc không cho phép tính gộp hàng hoá thông thường với hàng hoá tiêu dùng

 

Chú ý khi miễn thuế đối với hàng hoá tiêu dùng

Hàng hoá tiêu dùng được đóng trong túi chuyên dụng (nếu mở ra sẽ làm mất dấu niêm phong và được coi là đã mở), không được mở ra trước khi đem ra khỏi Nhật Bản. Ngoài ra hàng hoá tiêu dùng và hàng hoá thông thường không được tính gộp tiền cùng nhau nên có thể sẽ không được miễn thuế. Hàng hoá tiêu dùng hoặc hàng hoá thông thường sẽ được phân loại riêng, nếu mua trên 5.000  円 mới được miễn thuế.

 

Cửa hàng có dịch vụ miễn thuế tại Nhật Bản

Nếu cửa hàng có kí hiệu “TAX FREE” thì cửa hàng đó có thủ tục miễn thuế.

Uniqlo, Big Camera, điện máy Yamada, Don Quijote, chuỗi hiệu thuốc mĩ phẩm lớn (Matsumoto Kiyoshi và Daikoku Drug…), trung tâm thương mại lớn (Aeon, Lalaport), LAOX, Outlet mall, bách hoá thương mại hay những cửa hàng lớn có đông khách du lịch thường có thủ tục miễn thuế.

Gần đây 1 số cửa hàng tiện lợi cũng đã thực hiện thủ tục miễn thuế cho khách hàng.

 

Cách nhận được miễn thuế

(A) Khi mua hàng trình hộ chiếu để được giảm thuế ngay khi thanh toán

(B) Sau khi thanh toán hàng hoá (có tính thuế) xong, trong cùng ngày hôm đó đem hàng hoá, hoá đơn, hộ chiếu đến quầy dịch vụ khách hàng của cửa hàng để nhận lại tiền thuế

Dù sử dụng cách nào bạn cũng cần phải có hộ chiếu nên hãy luôn đem hộ chiếu bên người. (bản sao của hộ chiếu sẽ không được chấp nhận)

<Tại cửa hàng>

1)Trình hộ chiếu

Đưa cho nhân viên xem họ chiếu của người mua hàng (không dùng bản sao). Nhân viên cửa hàng sẽ xác nhận tên, quốc tịch, ngày sinh, tư cách lưu trú, ngày nhập cảnh, mã hộ chiếu.

2)Tạo biên lai mua hàng

Bạn sẽ nhận được “Biên lai hàng hoá miễn thuế xuất khẩu” do nhân viên cửa hàng in ra dựa trên thông tin hàng hoá bạn đã mua. Biên lai này sẽ được ghim vào hộ chiếu kèm theo con dấu xác nhận. Chú ý không tự ý gỡ ra cho đến khi rời khỏi Nhật Bản.

3)Cam kết của người mua 

Khi kí vào bản cam kết bạn sẽ phải tuân thủ theo những điều sau:

・Mang hàng hoá thông thường ra khỏi Nhật Bản

・Không sử dụng hàng hoá tiêu dùng, mang hàng hoá ra khỏi Nhật Bản trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua

・Nếu không mang theo khi rời khỏi Nhật Bản hàng hoá sẽ bị tính thuế tiêu dùng

4)Thanh toán – Nhận hàng

Trong trường hợp (A), sau khi thanh toán số tiền mua hàng (đã trừ thuế) bạn sẽ nhận được sản phẩm. Trong trường hợp (B) bạn sẽ nhận lại tiền tương ứng với tiền thuế tiêu dùng. Trong trường hợp này sẽ có khả năng phát sinh thêm phí. Nếu việc đổi trả hàng hoá làm cho tổng giá trị thanh toán thấp hơn so với mức tối thiểu được miễn thuế thì tất cả hàng hoá sẽ không được miễn thuế nữa mà phải trả thuế tiêu dùng.

<Tại sân bay>

5)Xuất trình biên lai mua hàng

Nhân viên hải quan sẽ kiểm tra hộ chiếu và hàng hoá miễn thuế đã mua. Sau đó sẽ thu hồi “Biên lai mua hàng” được đính kèm trong hộ chiếu. Ngoài ra, sản phẩm miễn thuế đã mua phải được chính người mua hàng cầm ra khỏi Nhật Bản.

6)Xuất cảnh

Sau khi làm xong thủ tục hải quan thì thủ tục miễn thuế cũng coi như hoàn tất.

 

Phân biệt 2 loại cửa hàng miễn thuế “duty free” và “tax free”

Có 2 loại cửa hàng miễn thuế như sau:

“duty free” có nghĩa là hàng hoá được miễn thuế hải quan, còn “tax free” nghĩa là hàng hoá được miễn thiếu tiêu dùng (thuế giá trị gia tăng).

Tại “duty free” ngoài thiếu tiêu dùng ra các loại thuế rượu, thuế thuốc lá, thuế hải quan cũng không bị tính. Tuỳ từng mặt hàng mà có thể bạn sẽ mua được với giá khá “hời”. Trước đây “duty free” thường chỉ có tại sân bay nhưng gần đây số lượng những cửa hàng gọi là “cửa hàng miễn thuế trong thành phố kiểu sân bay” đang dần tăng lên.

 

【Cửa hàng miễn thuế trong thành phố kiểu sân bay】

高島屋免税店「SHILLA&ANA」

 

銀座三越「Japan Duty Free GINZA」

 

東急プラザ銀座「ロッテ免税店銀座店」

 

福岡三越「FUKUOKA DUTY FREE TENJIN」

 

沖縄那覇「Tギャラリア沖縄」

 

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る