Nghệ thuật gấp giấy Origami Nhật Bản

Có một truyền thuyết cổ của Nhật Bản nói rằng nếu ai gấp được 1000 con hạc giấy thì người đó sẽ có được một điều ước. Hình ảnh những cánh hạc giấy đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Nhật Bản.

Origami là nghệ thuật gấp giấy (hay nghệ thuật xếp giấy) độc đáo có xuất xứ từ Nhật Bản. Chữ Origami trong tiếng Nhật bắt nguồn từ hai chữ: Ori là gấp hay xếp và kami là giấy. Origami chỉ được dùng từ năm 1880, trước đó người Nhật dùng chữ Orikata. Origami kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật (2 chiều), mà thường là hình vuông thành những hình phức tạp (3 chiều), không cắt dán trong quá trình gấp, đây cũng là xu hướng của Origami hiện đại.

 

Lịch sử ra đời của Origami

Quá trình phát triển của Origami gắn bó chặt chẽ với quá trình ra đời và phát triển của giấy viết. Vào khoảng năm 105 sau Công Nguyên, người Trung Quốc đã phát minh ra giấy viết. Vào thế kỷ thứ 6, các nhà sư đã mang giấy từ Trung Quốc tới Nhật Bản. Cũng giống như ở Trung Quốc, người Nhật khi đó chỉ sử dụng giấy trong các dịp lễ quan trọng.

Mãi tới những năm 1660, người Nhật mới sử dụng giấy như một công cụ giải trí. Và tận 20 năm sau đó, vào năm 1680 lần đầu tiên hình ảnh những cánh bướm giấy rập rờn mới được nhắc đến trong một bài thơ tiếng Nhật. Đến năm 1797, Akisato Rito đã xuất bản cuốn sách đầu tiên về gấp giấy nghệ thuật có tựa đề “Sembazuru Orikata” (Xếp ngàn cánh hạc). Nhưng phải tới thế kỷ 19, thuật ngữ “gấp giấy” mới trở nên phổ biến khắp quốc đảo này.

Có thể nói Origami cũng như nhiều từ tiếng Nhật khác như Sake, Shushi, Kimono… đã được quốc tế hóa, để khi nhắc đến ai cũng hiểu đó là một đặc trưng của văn hóa Nhật, không lẫn vào đâu được. Và ngày nay Origami đang mở rộng tầm ảnh hưởng ra tầm thế giới, không chỉ giới hạn là một thú vui mà còn được nghiên cứu phục vụ cho các mục đích khoa học khác bởi nhiều tổ chức và cá nhân.

 

Những quy tắc cơ bản trong Origami

Lịch sử phát triển lâu đời của nghệ thuật Origami đã hình thành nhiều loại Origami với những đặc thù riêng. Mỗi người tham gia môn nghệ thuật này có thể chỉ cần tuân theo các quy tắc của một loại nhất định. Tuy vậy, cũng không hiếm người đam mê gấp giấy nên đã tìm hiểu cặn kẽ về quy tắc của tất cả các lọai Origami. Nét đặc biệt của nghệ thuật Origami là ở chỗ người gấp chỉ sử dụng duy nhất một tờ giấý, mà không hề sử dụng thêm keo hay hồ dán. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi người gấp phải thật sự khéo léo và tỉ mẩn. Họ có thể sáng tạo ra nhiều cách gấp để tạo nên nhiều mẫu vật đa dạng.

Hầu hết các mẫu gấp phức tạp đều dựa trên những mẫu cơ bản sau đó được sáng tạo thêm. Bốn mẫu cơ bản trong gấp giấy gồm có: gấp diều, gấp cá, gấp chim và gấp ếch. Gấp động vật và hình khối đa diện là lựa chọn phổ biến của rất nhiều người để rồi từ đó thiên biến vạn hóa ra rất nhiều hình mẫu. Dựa trên những bản hướng dẫn chi tiết mà mỗi người lại có thể thay đổi cách gấp theo sở thích của riêng mình.

Người chơi nghệ thuật Origami còn phải tuân thủ quy tắc Thuần khiết (Pureland), tức là khi gấp một mẫu vật, bạn chỉ được chọn đúng một loại Origami. Người chơi không được phép kết hợp các loại Origami khác nhau khi gấp một mẫu vật. Vi phạm quy tắc này tức là chúng ta đã bước ra ngoài ranh giới nghệ thuật xếp giấy Origami.

 

Các loại hình Origami

Origami ghép (Modular Origami)

Là loại Origami truyền thống, một mẫu vật sẽ được gấp thành nhiều bản giống nhau sau đó các bản này được ghép lại thành một mẫu vật lớn có cấu tạo phức tạp hơn. Ở loại Origami này, người gấp giấy không phải tuân thủ quy tắc chỉ được sử dụng duy nhất một tờ giấy. Tuy nhiên, họ phải tuân thủ một quy tắc quan trọng khác, đó là không được sử dụng hồ dán hay băng keo. Thay vào đó, họ được phép sử dụng một vết cắt để ghép các mẫu vật nhỏ lại thành khối.

Origami cử động (Action Origami)

Là loại Origami tạo ra các mẫu vật có thể cử động được dưới sự điều khiển của con người. Ví dụ như con chim có thể vỗ cánh hay con ếch có thể bật về phía trước khi ta ấn vào chân sau của nó. Pháo giấy cũng là một ví dụ phổ biến, hẳn nhiều người đã từng chơi pháo giấy và đập cho pháo nổ.

Origami trang sức (Jewelry Origami)

Tạo ra các mẫu vật có thể mang được trên người. Còn người chơi Origami thực phẩm (Food Origami) lại sử dụng hoa quả hoặc tảo biển để tạo ra các mẫu vật.

Origami giấy nhớ (Sticky Note Origami)

Là Origami được sáng tạo nên bởi nhân viên công sở, đúng như tên gọi của nó, các mẫu vật của loại Origami này được làm từ giấy nhớ, dù đôi khi mẫu vật tạo ra có kích cỡ khá nhỏ.

Một số nghệ nhân lại thích loại Origami hoa văn trang trí nổi (Origami Tessellations). Gọi như vậy là vì bề mặt loại giấy mà các nghệ nhân này sử dụng khá mịn và được gấp thành những họa tiết nổi rất phong phú và lại mắt, tất nhiên đây là một trong các loại Origami đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.

 

Tác dụng của Origami

Gấp giấy Origami không đơn thuần chỉ là giải trí, làm đồ trang trí thông thường. Một trong số nguyên nhân giúp nghệ thuật gấp giấy Origami trở thành biểu tượng văn hóa Nhật Bản là bởi gấp giấy Origami còn có tác dụng như một liệu pháp tâm lý, giúp trấn an tinh thần, mang lại niềm vui và cảm hứng cho con người khi hoàn thành một tác phẩm.

Ngoài ra, việc tạo ra một mẫu Origami sẽ phải áp dụng rất nhiều quy tắc hình học. Ở một vài nơi trên thế giới còn áp dụng dậy Origami trong các tiết học mỹ thuật, hình ảnh trực quan. Đặc biệt là ở các lớp mẫu giáo và cấp một, học Origami giúp trẻ tư duy hình ảnh, hình học trực quan, trừu tượng, không gian, các khối 3 chiều, các hình tam giác, hình vuông…. rất có lợi cho sự phát triển tư duy của trẻ.

Rõ ràng, ngay từ khi ra đời, nghệ thuật gấp giấy Origami đã chiếm được cảm tình của đông đảo người dân Nhật Bản. Ngày nay, Origami đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật, văn hóa đặc sắc của Nhật Bản được đông đảo người dân trên thế giới yêu thích.

Cách gấp hộp giấy Origami chuẩn Nhật Bản

 

Hồ Nhật Thanh (LOCOBEE)

* Bài viết thuộc bản quyền của LOCOBEE. Vui lòng không sao chép hoặc sử dụng khi chưa có sự đồng ý chính thức của LOCOBEE.

bình luận

ページトップに戻る